Làng dưới kêu là hoa trù trè; làng trên gọi là hoa lại mèo, làng tôi lại kêu là hoa lài; rồi có người gọi nó là hoa dẻ hay hoa tày… Hoa thả từng chùm trong những lùm cây dại mọc sát chân động cát quê tôi. Những chùm hoa hiền dịu cũng là sắc vàng óng ả đầu tiên trong vùng cây xanh lá gọi nắng hè về. Hương của hoa đứng xa cả trăm mét đã nghe thoang thoảng. Những chùm hoa trù trè được hái xuống, nâng niu, hít hà rồi ép vào trong vở. Hương hoa vấn vít tuổi học trò làng quê trong những ngày cuối năm học.

Người bạn kể rằng đã hứa sẽ gửi mấy chùm hoa trù trè cho một người bạn gái ở Sài Gòn; cô bạn mà hắn đã từng hái bao nhiêu chùm hoa trù trè để tặng bỗng dưng một ngày bỏ trường, bỏ bạn theo gia đình vô Nam lập nghiệp năm nào. Vắng bạn, hắn cũng không đi hái hoa trù trè nữa cho đến tận bây giờ. Nhưng lời hứa của hắn sẽ hái hoa thơ quê nhà, ép khô gửi cho bạn cũ vẫn chưa thực hiện được…

Có người bạn của tôi gọi loài trái cây dại đó là loài cây huyền thoại. Hiểu theo một nghĩa nào đó thì đúng đó là một loài trái cây huyền thoại của tuổi thơ chúng tôi. Bù tru, cái tên nghe thật xưa cũ, nghe như tiếng của người Chăm xưa… Bù tru mọc tự nhiên trên rú cát suốt dọc miền thùy dương Ngũ Điền quê tôi. Có đến mấy loài bù tru: tẻ, mèo, trày… Là dân làng tôi gọi tên như thế từ bao đời trước; bây giờ lũ chúng tôi chỉ biết theo đó mà gọi chứ không hiểu vì sao lại có tên trày hay tên mèo nữa…

Trái mốc ngọt thơm trên vùng nắng gió

Chúng từng là bầu bạn của tuổi thơ quê nhà; rồi khi lớn lên, chúng khuất nẻo dần trong trí nhớ cho đến một ngày chợt ùa về gần gũi thân tình khi ai đó đưa hình ảnh của mấy chùm bù tru chín lên Facebook. Những buổi đi hái bù tru, vui nhất là lũ con gái đứng dưới chìa mũ hay áo hứng để mấy thằng con trai trèo lên cây hái từng chùm thả xuống trong tiếng cười như nắc nẻ. Bù tru có vị ngọt thanh dễ chịu và ngon nhất là bù tru trày vì chúng có cơm dày, ngọt bùi và thơm.

Khi những trái cây của mùa hạ từ ổi, thị ở trong vườn nhà hay cả những trái cây dại như móc, mao, bù tru, trâm bù trên động cát của làng tôi đã ngót thì mới đến mùa sim chín. Động cát quê tôi chỉ lác đác vài bụi sim thấp lè tè nên trái cũng không nhiều. Bởi thế, sim là thứ trái dại quý nhất và có lẽ cũng là ngon nhất trong hàng chục thứ trái có thể ăn được từ những loài cây sống trên những đồi cát cằn khô mà cho bao nhiêu là trái ngọt…

Tôi nhớ cái bụi sim ở động Cao ngay cạnh bên con khe Ngòi Viết nước trong vắt chảy từ động cát ra sông Ô Lâu. Cái bụi sim nằm lẩn khuất trong những bụi cây rậm nên ít người để ý cứ đến đầu thu là trái sim chín tới. Lũ trẻ xóm tôi tranh nhau tìm trái chín chỉ trong thoáng chốc là đã hết cả bụi sim.

Nhưng nhớ đến mùa sim là nhớ mấy cái động mả Ngài của làng Kế Môn cạnh làng tôi. Đó là những đồi cát khá cao nằm sát với cánh đồng cỏ dại hoang sơ nối với biển. Không hiểu tại sao ở đây không có loài cây nào sống được ngoài những bụi sim. Cả mấy đồi sim nối tiếp nhau ngây ngất. Ở động cát làng tôi phải băng bộ khoảng 5 km mới đến những đồi sim này. Nhưng có hề chi, sim chín rồi thì chân ta cứ đi… Những đôi chân trần của lũ trẻ chúng tôi băng bộ qua những trảng cát dài chừng nửa giờ là đã đến đồi sim. Sau mấy cơn mưa đầu mùa, sim chín tím rịm đầy cây. Cũng chẳng cần tranh nhau làm chi nữa, mỗi đứa một bụi sim tha hồ vừa hái vừa ăn. Ăn no nê xong lại hái bỏ vô bọc áo, vô mũ mang về nhà phân phát cho mấy đứa con gái trong xóm.

Những đồi sim chín tím một góc chiều. Cái vị ngọt thơm rưng rức như được chắt lọc từ những dòng nước ngầm dưới cát trắng khô cằn của trái sim vừa chín tới, ngọn gió hoang liêu thổi mênh mang giữa những đồi cát và cả thanh âm của chú chim chiền chiện cứ chấp chới vỗ cánh mà hát ca vang trời… Đó là những gam màu ký ức của đứa trẻ là tôi mỗi lần đã ăn no nê sim chín rồi nằm ngửa trên cát mà chơi!

Đã từng nghĩ rằng sau này sẽ trở lại thăm đồi sim trong một buổi chiều tà nào đó. Nhưng đến nay tôi vẫn chưa một lần trở lại. Không biết khi trở về đồi sim của tuổi ấu thơ, tôi có như nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín, một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay”… 

Thơ… bù tru

Chợt nhớ một chuyện ở làng năm cũ. Có một anh đi tán gái khi nào cũng đọc vài câu thơ trong câu chuyện của mình. Có lần anh đọc thơ cho một nàng nghe, nàng khen: “Thơ anh ngọt như bù tru!”. Từ đó, trẻ con làng tôi mỗi lần thấy anh đều đọc vè trêu: “Thơ văn, thơ võ, thơ bù tru…”. Tôi thì mỗi lần thấy chùm bù tru thì ký ức cứ ùa về cảnh cả bầy con nít chân trần trên cát nóng vùng động cát hình chữ nhất phía sau làng tôi. Chúng tôi lủi từ truông động xóm Kế rồi chạy về lùm họ Hoàng rồi lại vô Bàu Cạn, lên động Cao lủi tìm bù tru và tiếng cười giòn tan ngày xưa của mấy đứa con gái lại vọng về trong trẻo lắm…


Bài và ảnh: PHI TÂN