Nghị quyết 124 của Quốc hội Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 nêu rõ nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Song song đó, Nghị quyết Ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Chính sách kịp thời nhưng chưa đủ

Đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã đặt ra những thách thức, khó khăn chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đứng trước yêu cầu phục hồi nền kinh tế một cách vững chắc trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Theo các tổ chức quốc tế, trong bối cảnh này, các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trung hạn đã được ban hành kịp thời, giúp mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới có thể đạt được. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần được nhận diện rõ để tháo gỡ.

Doanh nghiệp mong chờ chính sách đúng, đủ, trúng và mang tính dài hạn – Ảnh: Hoài Dương

Trong một báo cáo mới đây, nhóm chuyên gia của Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ rõ thực tế, lãi suất cho vay mặc dù đã giảm nhưng còn ở mức cao và cao hơn so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, công cụ dự trữ bắt buộc chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành linh hoạt nên chưa phát huy hiệu quả trong việc tăng khả năng cung ứng tín dụng, giảm chi phí tín dụng và tác động làm giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.

Còn về chính sách tài khóa, các chuyên gia cho nhận định đa số được thiết kế và thực thi theo hướng “bình quân hóa” giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, dẫn đến lợi ích từ chính sách bị dàn trải… “Các chính sách tài khóa hiện nay tập trung chủ yếu vào miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Các gói này có tác dụng giảm áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi lực cầu trong nền kinh tế còn yếu và doanh nghiệp còn phải tiêu tốn chi phí không nhỏ để phòng chống dịch thì tác động của các chính sách này tới sự hồi phục của nền kinh tế là hạn chế” – nhóm chuyên gia của Trường ĐH Kinh tế quốc dân phân tích.

Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai), doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế. Nhưng thực tế, sự quan tâm của nhà nước đến doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn chưa đủ. “Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với tình hình khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi” – đại biểu Trịnh Xuân An nêu và cho rằng cần đánh giá kỹ hơn vai trò của ngân hàng đối với doanh nghiệp để có chính sách phù hợp, nhất là khi chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng.

Hỗ trợ trúng và dài hơi hơn nữa

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5%-7%, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đủ mạnh và tập trung vào đối tượng trung tâm của nền kinh tế là doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng lúc này, doanh nghiệp mong mỏi nhất là được cấp cứu dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ, cụ thể là giảm lãi; khoanh, hoãn, cơ cấu lại nợ; vay vốn mới. Tuy nhiên, hiện chính sách còn thiếu thực tế hoặc điều kiện quá chặt chẽ. “Đề nghị Chính phủ, các bộ – ngành thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để có tiếng nói chung, thúc đẩy thực thi chính sách hiệu quả, từ đó cải thiện chính sách theo hướng đúng, trúng, đủ và mang tính dài hạn hơn để chính sách đã ban hành có thể đi vào thực tiễn, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng ngành, từng giai đoạn” – đại biểu Bình nêu quan điểm.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), thời gian qua, chính sách tài khóa mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đang hoạt động tốt, có nguồn thu. Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được hỗ trợ để có cơ hội phục hồi sau thời gian giãn cách xã hội. Do đó, ông đề xuất có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh tiếp cận vốn.

PGS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 12%, nếu không ít nhất cũng phải đạt trên 10%. “NHNN cần nghiên cứu giảm 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Từ đó, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỉ đồng để cho vay đối với nền kinh tế. Cùng với đó, chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất – kinh doanh; cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo các thông tư của NHNN” – ông Phạm Hồng Chương nêu kiến nghị.

Một số chuyên gia kinh tế góp ý khi thiết kế chính sách tài khóa, cần tăng liều lượng, thời gian hỗ trợ đối với các gói chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiền chậm nộp thuế, tiền thuê đất, tiền điện, bảo hiểm xã hội… Song song đó, ban hành và thực thi các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí lưu thông…

Nghị quyết 124 nêu rõ mục tiêu tổng quát là vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn… Thực hiện nghị quyết, hàng loạt giải pháp phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho người dân cũng như ổn định xã hội, đặc biệt là nỗ lực phủ vắc-xin đến tất cả các tỉnh – thành, đã được thực hiện.

Nhằm triển khai tốt hơn nữa các giải pháp đồng hành, hỗ trợ người dân, người lao động – nguồn nhân lực quan trọng trong tiến trình hồi phục kinh tế, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài; tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Đặc biệt, tiếp tục tăng cường việc chăm lo sức khỏe tinh thần và theo dõi sức khỏe thể chất cho người lao động, ví dụ: hỗ trợ tư vấn tâm lý cho lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” tại các DN; đẩy mạnh tư vấn, chăm sóc tại nhà cho người dân có nguy cơ hoặc bị nhiễm Covid-19; triển khai rộng hơn, hiệu quả hơn mạng lưới bác sỹ gia đình…


Thùy Dương – Minh Chiến

Chia sẻ