Trong tuyển tập “Trăng nước Cần Thơ”, gồm 2 phần thơ của tác giả Bình Trọng, hiện là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP In Tổng hợp Cần Thơ và phần ca cổ của soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Ðô. Cả hai tác giả đã gửi đến giới mộ điệu những câu chuyện đời và nghề ngồn ngộn chất liệu từ cuộc sống. Ở đó còn là sự trải nghiệm của một tâm hồn yêu thơ ca và âm nhạc ngũ cung.

Tất cả 54 bài ca cổ, bài bản tài tử trong “Trăng nước Cần Thơ” kỳ vọng sẽ mang đến một không gian hữu tình, giàu cảm xúc về thang âm điệu thức trong nghệ thuật chọn lựa bài bản lồng ghép khá hợp lý, đúng chất hò, xự, xang, xê, cống mà tiền nhân vun đắp. Ấn phẩm này tập hợp hầu hết những sáng tác được nhiều người yêu thích của soạn giả Nhâm Hùng như: “Nhớ Mộc Quán”, “Điệu hò trong tôi”, “Dòng sữa mẹ Hậu Giang”, “Ði tìm bông cúc thủy”, “Cung đàn Cần Thơ”, “Ngôi đền huyền thoại”…

Soạn giả Nhâm Hùng và tuyển tập “Trăng nước Cần Thơ”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Với “101 bài vọng cổ, tài tử đoạt giải và phát sóng” là một dấu ấn mới của tác giả Nguyễn Trung Nguyên. Trước nay, mọi người biết Nguyễn Trung Nguyên là một nhà thơ, nhà văn và cũng có “lấn sân” sáng tác cổ nhạc, tân nhạc nhưng không ngờ ông đã dành khá nhiều thời gian để đúc kết những trải nghiệm trong đời, rót vào từng sáng tác niềm đam mê cổ nhạc và trân quý di sản ông cha để lại.

Các tác phẩm in trong sách đều đã đoạt giải hoặc phát sóng trên các đài phát thanh, truyền hình trong cả nước. Với thế mạnh là người viết văn, làm thơ nên Nguyễn Trung Nguyên có nền tảng văn chương để hình tượng hóa các câu chuyện mà ông góp nhặt trong đời. Chính ưu điểm này đã giúp ông tạo được sự khác biệt trong bài ca cổ, tài tử với ngôn ngữ mượt mà, ý thơ sâu lắng như quyện vào người ca.

Trong bài “Tổ quốc chúng tôi đây”, ông viết: “Có bà mẹ nửa đêm giật mình ngồi dậy. Sờ soạng đôi tay như đang tìm mộ đứa con mình”. Và cách chơi chữ thú vị nhưng cũng đầy thi vị trong “Thành phố bãi bồi”: Về Cà Mau cứ muốn ở lâu lâu. Con gái miệt biển cái gì cũng mặn mòi hết thảy…”.

Theo nhận định của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nỗ lực của các tác giả sân khấu ĐBSCL đã góp phần tích cực trong bảo tồn nghệ thuật âm nhạc cổ truyền, ngoài đội ngũ nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca sẽ thực hành trình diễn, khán giả trẻ sẽ có thêm cơ hội tham khảo, đội ngũ sáng tác trẻ sẽ có thêm tài liệu để nghiên cứu… góp phần nhân rộng hiệu quả sáng tác bài ca cổ, bài bản cải lương, những kịch bản mang tính văn học cho cuộc sống.

Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ, cho rằng sự góp mặt của 2 ấn phẩm này đã bổ sung cho làng cổ nhạc nhiều sáng tác mới, thêm sinh động cho đời sống văn học – nghệ thuật Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập.


Thanh Hiệp

Chia sẻ