Những năm gần đây, cụm từ “đón Tết online” được nhiều người nhắc đến, không chỉ bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mà còn bởi sự phát triển nhanh chóng của những ứng dụng công nghệ phục vụ nhu cầu ngày Tết.

Bạn trẻ sắm Tết, lì xì, gửi lời chúc… online

Sáng mùng 1, sau khi đã chúc Tết ông bà, bố mẹ, việc đầu tiên Quách Thị Lan Anh (SN 2000, quê Ninh Bình) làm chính là mở điện thoại để lì xì online.

Đây là thói quen trong vài năm gần đây của Lan Anh từ khi có điện thoại thông minh và phong trào lì xì online nở rộ. Với sự đa dạng của ứng dụng và cách sử dụng đơn giản, chỉ cần vài thao tác bấm hoặc quét mã, số tiền mừng tuổi đầu năm dành cho bạn bè, người thân được chuyển đi nhanh chóng.

“Công nghệ hiện đại là để cho mình sử dụng, tôi thấy việc gửi tiền mừng tuổi hoặc chúc Tết bằng hình thức online khá tiện lợi, dù bạn bè ở xa hay gần đều không phải là vấn đề” – Lan Anh giải thích. 

Trước đó, Lan Anh cũng dành thời gian lên các ứng dụng mua sắm trực tuyến để sắm Tết. Phần lớn quần áo, giày dép, bánh kẹo được Lan Anh lựa chọn trên mạng và được giao tận nhà, thay vì phải tự đi chợ mua sắm hoặc vào bếp làm các loại bánh mứt truyền thống.

Lì xì online được nhiều bạn trẻ ưa chuộng

Mặc cho những tiện ích mà các ứng dụng công nghệ mang lại, việc ăn Tết kiểu online vẫn vấp phải một số ý kiến trái chiều.

Hoàng Thị Như Cẩm (SN 1996, ngụ Quảng Nam) cho rằng việc chúc Tết, lì xì Tết qua mạng sẽ giúp rút ngắn khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, việc lạm dụng hình thức này có thể tạo nên lối sống thờ ơ nếu như những lời chúc ấy chỉ được thể hiện một cách máy móc mà không thật sự gửi gắm tấm lòng vào đó.

Dung hòa để ngày Tết thêm vui

Tết này, Như Cẩm chọn quây quần với gia đình và gặp gỡ những người bạn thân thiết. Đây là niềm vui lớn nhất trong ngày Tết của Cẩm. 

Kể về dự định trong những ngày Tết của mình, Như Cẩm hào hứng cho biết sẽ đi thăm và chúc Tết họ hàng, tảo mộ gia tiên. Đặc biệt, Như Cẩm yêu thích việc vào bếp cùng gia đình để làm mâm cơm ngày Tết. 

“Đây là những cách bạn trẻ có thể gắn kết với gia đình nhiều hơn và giữ gìn nét đẹp truyền thống của ngày Tết cổ truyền” – Như Cẩm bộc bạch.

Hình ảnh những đòn bánh tét đón Tết của gia đình được Như Cẩm lưu giữ cẩn thận. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn với Hoàng Giang (SN 1996, ngụ TP HCM), Tết trọn vẹn nhất là vừa giữ gìn được nét đẹp truyền thống, lại vừa áp dụng những tiện ích công nghệ một cách phù hợp. Hoàng Giang cho biết ưu tiên hàng đầu của mình vẫn là gia đình. Thời gian còn lại, Giang sắp xếp đi thăm bạn bè, thầy cô và du xuân.

Với những người bạn ở xa, không thể gặp mặt, chị sẽ gọi điện thăm hỏi, gửi tiền mừng tuổi qua ứng dụng. “Điều quan trọng nhất vẫn là cái tâm của mình, dù chúc mừng hay lì xì online thì vẫn tốt nếu được mình tận tâm, chăm chút và gửi đi với thật nhiều yêu thương” – Giang nói thêm.

Theo Hoàng Giang, mỗi người trẻ đều có cách đón Tết riêng của mình, làm mới ngày Tết để phù hợp với sự phát triển từng ngày, nhưng không nên lạm dụng mà cần trân trọng giá trị truyền thống để Tết vẫn luôn đẹp, thiêng liêng và ý nghĩa.


Bài và ảnh: Ngọc Lý