Theo thông tin tại hội thảo, đến hết quý II/2021, lực lượng lao động của Việt Nam là khoảng 51,1 triệu người, trong đó tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Số lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%. Con số này cho thấy nhu cầu được đào tạo lại cũng như đào tạo nâng cao về kỹ năng cho người lao động (NLĐ) là một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng. Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Hà, cho rằng phát triển kỹ năng cho NLĐ luôn là ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là con đường để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tỉ lệ lực lượng lao động qua đào đạo rất thấp, con số này cho thấy nhu cầu đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho NLĐ rất lớn, nhất là đại dịch Covid-19 cũng đang thách thức việc tiếp cận việc làm của NLĐ khi thị trường lao động Việt Nam đang bị thu hẹp.

Theo bà Hà, triển vọng phục hồi việc làm là thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm, do vậy việc nâng cao kỹ năng cho NLĐ là rất cần thiết. Vì vậy, xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần đặt lên hàng đầu.

Để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng phải đặt tầm nhìn nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước bằng sức mạnh của kỹ năng và năng lực hành nghề của NLĐ. Đồng thời đặt mục tiêu về trình độ kỹ năng nghề theo cơ cấu về bậc trình độ, ngành nghề, số lượng, chất lượng bảo đảm nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.


G.Nam

Chia sẻ