Tính đến hết tháng 3-2022, mới có gần 200 doanh nghiệp (DN) yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 NLĐ trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỉ đồng.

Gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động

Trong đó, 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 NLĐ với tổng kinh phí dự kiến gần 70 tỉ đồng. Vùng Đông Nam Bộ có số NLĐ được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất – hơn 5.000 lao động được NSDLĐ hoàn thiện hồ sơ, 2 DN đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50.000 người.

Vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên, hiện chưa có NSDLĐ nào nộp hồ sơ. Trong quá trình theo dõi, Tổng cục GDNN đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Chẳng hạn, thời điểm triển khai rơi vào lúc các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh nên các hoạt động triển khai đào tạo không thực hiện được.

Các DN lớn và DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực sự quan tâm việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ hoặc ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Trước thực trạng trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu cần tập trung phê duyệt tất cả hồ sơ từ nay cho đến ngày 30-6. Nơi nào đã nhận hồ sơ cần rà soát lại, phê duyệt ngay để DN, NSDLĐ triển khai. Các cơ sở GDNN, DN cần xem đây là cơ hội để đào tạo bồi dưỡng cán bộ, NLĐ. Các trường nghề chủ động phối hợp với DN, hỗ trợ DN, cùng với DN lập hồ sơ, phối hợp đào tạo bồi dưỡng, phối hợp thanh quyết toán.


Tin-ảnh: G.Nam