Ngày 4-5, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết đã phối hợp với UBND thị xã La Gi làm việc với 30 hộ dân tại xã Tân Phước để thông báo về chủ trương không sử dụng xe bò vận chuyển khách du lịch trên bãi biển Cam Bình và các chính sách hỗ trợ an sinh.

Tại buổi làm việc, các hộ dân muốn tiếp tục hoạt động xe bò để vận chuyển khách du lịch vì cho rằng đây là một trong những ngành nghề mà nhà nước không cấm, đã hoạt động từ năm 2016 và từ đó đến nay chưa có tai nạn đáng kể nào xảy ra.

Các hộ dân cũng cho rằng hành nghề xe bò là nghề mưu sinh chính của gia đình, hoạt động đưa khách du lịch tạo ra nét đặc trưng và sẽ có biện pháp bảo vệ môi trường, không còn để phân bò rơi vãi ra ngoài…

Xe bò vận chuyển khách trên biển Cam Bình trước đây. Ảnh: Lê Long

Theo các hộ dân, thu nhập hoạt động vận chuyển xe bò bình quân mỗi hộ khoảng 8 triệu đồng/tháng, là nguồn thu lớn, do đó kiến nghị tiếp tục hoạt động hành nghề vận chuyển khách du lịch.

Theo UBND xã Tân Phước, thời gian vừa qua, địa phương đã mời các hộ dân họp và vận động chủ trương không sử dụng xe bò chở khách tại biển Cam Bình. Qua thống kê của xã, hiện nay tại bãi biển Cam Bình vẫn còn 20 chiếc xe bò/20 hộ đang hoạt động (10 hộ đã chuyển về nghề cũ, đánh bắt hải sản).

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đề nghị tiếp tục vận động, có biện pháp giải quyết để người dân chuyển sang nghề khác ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị các hộ dân dừng hoạt động xe bò và chuyển đổi nghề khác phù hợp với điều kiện gia đình, liên hệ với chính quyền địa phương để được hỗ trợ.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành công văn giao các đơn vị, địa phương tiếp tục có giải pháp hiệu quả để tuyên truyền, vận động người dân không tham gia vận chuyển hành khách bằng xe bò; đồng thời nghiên cứu giải quyết vấn đề sinh kế cho 30 hộ dân xã Tân Phước, thị xã La Gi.

Một chiếc xe bò của người dân tại xã Tân Phước dừng hoạt động. Ảnh: Hợp Phố

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Trọng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, cho biết hết sức trăn trở khi đưa ra quyết định cấm xe bò chở khách du lịch vì ảnh hưởng đến đời sống những hộ tham gia. 

“Chúng tôi nhận thức rằng vận chuyển khách bằng xe bò là nét độc lạ, hút khách nên khi số phương tiện phát triển nhiều cũng đã tính phương án cấp số ngày chẵn lẻ cho xe bò, phân tổ nhóm quản lý nhưng không hiệu quả. Khi bò phóng uế, người dân dùng cuốc lấp phân sơ sài, rồi nước cuốn trôi ra biển rất không hay cho du khách và môi trường” – ông Phan Trọng Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, cho rằng vận chuyển khách bằng xe bò là hoạt động đơn giản, nếu đi sâu vô loại hình sản phẩm này thì sẽ mất đi nhiều sản phẩm cao cấp hơn, làm mất giá trị bãi biển. “Trước đây, hoạt động này xuất hiện tự phát để thỏa mãn thị hiếu của một lượng khách nhỏ, chứ không phải là chất lượng của sản phẩm du lịch. Khi hoạt động quản lý không tốt sẽ làm mất giá trị bãi biển. Riêng định hướng trong phát triển du lịch của Bình Thuận thì chúng ta hướng tới xanh và bảo vệ môi trường, chất lượng ngày càng cao lên” – ông Khoa nói.

Cách TP HCM khoảng 160 km, biển Cam Bình (La Gi) đang nổi lên là địa chỉ du lịch biển hấp dẫn du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ. Ngoài các hoạt động thể thao biển thì khám phá bãi biển bằng xe bò được xem là nét độc đáo của khu du lịch Cam Bình.


Châu Tỉnh