Ngày 19-8, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình Talk show chủ đề “Những thí sinh nào nên thay đổi nguyện vọng?”. Chương trình có sự tham gia của TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên, ĐH Quốc gia TP HCM; TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP HCM; TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM; ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP HCM.

Các khách mời và ê-kip thực hiện chương trình

Năm nay, các trường ĐH tiếp tục sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ cấu chỉ tiêu giữa các phương thức của các trường có sự thay đổi theo hướng cơ bản là giảm tỉ lệ xét từ kết quả thi THPT. ThS Nguyễn Anh Vũ cho biết tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, còn 75% chỉ tiêu xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng ở nhiều trường khác, tỉ lệ đó chỉ còn dưới 50%.

Số liệu Bộ GD-ĐT công bố thì năm nay toàn hệ thống có trên 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký trên gần 550.000 chỉ tiêu. Theo tỉ lệ nguyện vọng 1/(trên) chỉ tiêu cho thấy, những ngành học nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là: An ninh Quốc phòng, Báo chí và thông tin, Nghệ thuật, Du lịch khách sạn – dịch vụ cá nhân, Khoa học xã hội và hành vi… TS Trần Đình Lý đánh giá nhóm ngành Dịch vụ, Báo chí và thông tin đang lên ngôi, có sức hút tốt, còn An ninh quốc phòng có thể dùng từ chính xác là vẫn giữ vững độ hấp dẫn thí sinh.

Với nhóm ngành Du lịch, chắc chắn sau dịch sẽ hồi sinh và thu hút nguồn nhân lực cao và đa dạng. Có điểm đáng chú ý, ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỉ lệ nguyện vọng đăng ký ở thứ hạng cao (Top 9) là tin hiệu vui, chứng tỏ với việc Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, với ưu đãi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm học phí và sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp cũng đã phát huy tác dụng và mang lại thêm sức hút cho ngành Sư phạm.

Theo TS Trần Đình Lý, các ngành này có tỉ lệ chọi cao, nhưng về số tuyệt đối, nhóm ngành kinh doanh quản lý vẫn có số lượng rất lớn, lên đến 1,25 triệu lượt thí sinh đăng ký, về chỉ tiêu chiếm gần 1/4 tổng chỉ tiêu tổng thể.

TS Lý cho biết các năm, tỉ lệ điều chỉnh nguyện vọng khoảng 25 – 27%. Năm nay việc điều chỉnh có thể cũng mang tính chất tương đối vì nhiều em đã đậu ở các phương thức khác. “Câu hỏi đặt ra là được hay bị điều chỉnh nguyện vọng? nếu điểm thi tốt hơn dự kiến thì sẽ được điều chỉnh, nếu điểm thi thấp hơn dự kiến (đặc biệt tổ hợp xét tuyển) thì buộc phải điều chỉnh” – TS Trần Đình Lý nói.

TS Lê Thị Thanh Mai cho biết điểm sàn sức khoẻ, sư phạm sẽ được Bộ GD-ĐT công bố ngày 26-8; các trường ĐH hoàn thành công bố điểm sàn trước 28-8; từ 29-8 đến 5-9 điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh được điều chỉnh trực tuyến, thí sinh tăng số lượng nguyện vọng nộp phiếu tại điểm thu nhận hồ sơ. Với những địa phương như TP HCM cũng như những địa phương đang thực hiện giãn cách, thí sinh cần theo dõi, cập nhật thông tin.

Tại thời điểm này, các trường ĐH đã công bố điểm chuẩn theo các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh trúng tuyển đang được yêu cầu xác nhận nhập học. TS Trần Đình Lý cho biết trong số rất nhiều phương thức xét tuyển thì xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là sau cùng. Các thí sinh trúng tuyển các phương thức khác phải hoàn tất thủ tục xác nhận nhập học và nhập học xong, các trường nhập vào hệ thống và nếu thí sinh đã trở thành tân sinh viên rồi thì dữ liệu của em đó sẽ không còn trong hệ thống để lọc ảo và xét tuyển nữa.

Khi muốn thay đổi nguyện vọng, thí sinh cần lưu ý điều gì để đảm bảo tối đa quyền lợi? Theo TS Lý, thí sinh đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành phù hợp và trường phù hợp. Lưu ý khi trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì các nguyện vọng sau sẽ không còn giá trị… tránh trường hợp đỗ nguyện vọng 1 nhưng lại muốn học ở trường đăng ký nguyện vọng 2.

TS Lê Thị Thanh Mai thì đưa ra nguyên tắc để điều chỉnh nguyện vọng, gồm:

1/ Ngành phải đáp ứng được mục tiêu việc làm của mình;

2/ Có mức điểm từ sàn trở lên và có cơ hội trúng tuyển;

3/ Sắp xếp theo thứ tự độ yêu thích giảm dần để khi trúng tuyển không tiếc

4/ Chọn tổ hợp xét tuyển mình có điểm cao nhất (dành cho trường nào áp dụng chung điểm chuẩn).

5/ Chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT

TS Nguyễn Trung Nhân, cho rằng khi cần điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần xác định điều chỉnh cái gì. Thứ nhất là xem tổ hợp mình đăng ký có phải là điểm cao nhất hay không, nếu không thì phải điều chỉnh; thứ 2 là bổ sung nguyện vọng khi ban đầu các em đăng ký quá ít; thứ 3 là thí sinh cần sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần.

Tại chương trình, các chuyên gia cũng trả lời trực tiếp nhiều câu hỏi của thí sinh.

“Cháu nhà tôi đăng ký hồ sơ dự tuyển vào các trường bằng hồ sơ dự tuyển chứ không qua hình thức trực tuyến. Giờ cháu có thể thay đổi từ ngành học này sang ngành khác cùng một trường đại học được không?”– trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Trung Nhân, khẳng định thí sinh hoàn toàn có thể thay đổi nguyện vọng từ ngành này sang ngành khác của cùng một trường. Việc thay đổi này có thể được thực hiện theo hai cách.

Cách 1: Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển khi đăng ký xét tuyển (cụ thể năm nay thí sinh sẽ thay đổi nguyện vọng từ ngày 29-8 đến 5-9 bằng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021);

Cách 2: Sau khi trúng tuyển vào trường, thí sinh học tập theo ngành trúng tuyển, sau thời gian tìm hiểu, nếu thấy không phù hợp thì có thể xin chuyển ngành khác (lưu ý điểm thí sinh đạt được phải lớn hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển của ngành chuyển đến với các phương thức xét tuyển tương ứng).

TS Nguyễn Trung Nhân, cho biết tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, hằng năm có khoảng 1% sinh viên xin chuyển ngành sau khi được giảng viên, các anh chị cựu sinh viên, các doanh nghiệp tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp (chủ yếu xin chuyển vào cuối năm học đầu tiên).

Nguyện vọng 1 sau khi biết điểm thi mà chưa biết điểm chuẩn có đổi sang trường khác được không ạ. Em đặt nguyện vọng 1 là ngành cơ khí ĐH Công nghiệp Hà Nội mà bây giờ em đổi thành Trường ĐH Công nghiệp TP HCM có được không? (Ngọc Trinh)

TS Nguyễn Trung Nhân, trả lời: thí sinh hoàn toàn có thể thay đổi nguyện vọng (kể cả nguyện vọng 1) từ ngành này sang ngành khác hoặc trường này sang trường khác. Năm 2021 thí sinh sẽ thay đổi nguyện vọng từ ngày 29-8 đến 5-9 và được thay đổi tối đa 3 lần. Khi thay đổi Ngọc Trinh cần chú ý mã trường (Mã trường ĐH Công nghiệp TP HCM là IUH), tên ngành và mã ngành (ví dụ ngành cơ khí có mã là 7510201). Ngọc Trinh cũng lưu ý chọn tổ hợp mình có điểm cao nhất trong 4 tổ hợp của ngành xét tuyển tương ứng (ví dụ ngành cơ khí của IUH có 4 tổ hợp là: A00, A01, C01, D90)

– Các bạn được tuyển thẳng thường đăng ký vào ngành nào của Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, em đăng ký vào ngành tài chính ngân hàng nhưng nghĩ số lượng các bạn được đặc cách với tuyển thẳng đã chiếm gần hết chỉ tiêu ngành này rồi và điểm chuẩn cũng sẽ cao nên bây giờ em nên đổi qua ngành nào dễ trúng tuyển? (Lê Phương Huyền)

ThS Nguyễn Anh Vũ, trả lời: năm 2021 trường tuyển 3.280 chỉ tiêu, trong đó 25% chỉ tiêu cho các phương thức không xét điểm thi THPT. Vậy nên, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT vẫn còn 75%. Những ngành mà bạn nêu chỉ tiêu còn nhiều nên hoàn toàn yên tâm.

Nếu bạn thật sự quan tâm ngành tài chính ngân hàng thì có thể dành nhiều nguyện vọng để đăng ký vào ngành đó ở nhiều chương trình, bạn cần quan tâm các điều kiện. Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm ngành tài chính ngân hàng ở trường ĐH khác hoặc những ngành gần với tài chính ngân hàng như kế toán, quản trị kinh doanh.

– Em được biết kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được tổ chức vào tháng 9, vậy em đăng ký thi kỳ thi này và khi có kết quả thì em sẽ thay đổi nguyện vọng xét tuyển theo hình thức này được không? Thời gian đổi nguyện vọng theo hình thức này là lúc nào?

TS Lê Thị Thanh Mai, trả lời: ngay từ đầu năm, kỳ thi đánh giá năng lực có kế hoạch tổ chức 2 đợt, đợt 1 đã tổ chức trong tháng 3. Theo thông báo mới nhất của ĐHQG TP HCM, dự kiến tháng 9 nhưng chỉ có thể tổ chức được khi đẩy lùi được dịch bệnh. Khi thí sinh đăng ký nguyện vọng theo đánh giá năng lực thì không thay đổi. Vậy nên thí sinh nên tận dụng những phương thức khác hiện có.

– Em có số điểm hiện tại là 24.4 và em có nguyện vọng đăng ký vào ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Thầy cô có thể cho em biết với số điểm như vậy thì năm nay có thể đậu không ạ? (Trần Huy)

TS Lê Thị Thanh Mai, trả lời: Công nghệ sinh học thuộc khối ngành sự sống có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất. trong nhóm ngày công nghệ sinh học lại là hot nhất. ĐH Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Nông lâm TP HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM… và nhiều trường khác có tuyển ngành này, dao động từ 15 đến 25 điểm, tùy trường. Năm nay tổ hợp B00 có xu hướng điểm giảm so với 2020. Tuy nhiên, các trường còn có tổ hợp khác.

Tại Trường ĐH Kkhoa học tự nhiên, ngành công nghệ sinh học năm 2020 có điểm chuẩn là 23,75 (chương trình chất lượng cao) nên mức điểm 24,4 thì em hoàn toàn có thể ghi nguyện vọng vào, bên cạnh đó nên ghi thêm các nguyện vọng vào những trường khác như ĐH Nông lâm TP HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM… để trúng tuyển vào ngành mình yêu thích.

– Phổ điểm của một số tổ hợp xét tuyển như: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh) mà Bộ GD-ĐT đã công bố tăng hơn so với 2020, liệu điều này có làm cho điểm chuẩn tăng không các thầy cô?

TS Nguyễn Trung Nhân: Năm nay chỉ những tổ hợp có môn tiếng Anh mới nhỉnh hơn 2020. Thông thường các trường không phân biệt điểm giữa các tổ hợp. Vì vậy điểm chuẩn có thể tăng hơn năm 2020 nhưng tăng ít ở những trường top 1, những trường thứ tự tiếp theo giảm thì tăng khoảng 1,5 điểm.

– Đứng trước thực tế điểm thi của các tổ hợp tăng, thí sinh có nên dựa vào điểm sàn, điểm chuẩn 2020 của các trường để điều chỉnh? Hướng điều chỉnh nên thực hiện như thế nào ạ?

TS Trần Đình Lý: Dựa vào điểm sàn 2021 là bắt buộc, điểm chuẩn 2020 là quan trọng. Nhìn chung năm nay và 2020 có những điểm tương đồng. Khi điều chỉnh, thí sinh nên lấy gốc là năng lực, sở trường, đam mê, sở thích với ngành nào đó.

Khi đưa ra điểm sàn, nhiều trường đưa ra quá thấp, điều này tạo bất lợi cho thí sinh nhưng lại an toàn cho trường; cũng có trường đưa ra điểm sàn quá sát điểm chuẩn 2020 nên mức điểm. này có thể làm cơ sở để tham khảo điều chỉnh.

– Em nghe nói có những người điểm cao vẫn trượt ĐH. Em nên điều chỉnh NV như thế nào để đảm bảo không trượt?

TS Lê Thị Thanh Mai, trả lời: thực tế có những em có điểm cao mà trượt vì không nắm được nguyên tắc đặt nguyện vọng. Thí sinh cần chọn ngành trước; sau đó tham khảo điểm cùng ngành ở các trường khác nhau (3 nhóm trường), thí sinh căn cứ điểm thi với điểm chuẩn 2020 để lựa chọn. Trong đó NV1-2 là cơ hội đậu; NV3-4 khả năng cao; NV5-6 bao đậu khi điểm thi – điểm chuẩn 2020 chênh lệch nhiều.

ThS Nguyễn Anh Vũ: Điểm cao vẫn rớt ĐH là dễ hiểu vì nếu bạn quá thích ngành nào đó ở 1- 2 trường nào đó trong khi điểm của bạn không đạt tới. Vì vậy, thí sinh cần có chiến lược đặt nguyện vọng.

TS Nguyễn Trung Nhân: quy chế những năm qua thì trượt là khó. Thí sinh nên chọn ngành phù hợp, trường phù hợp. Nếu không vào được ĐH thì có thể chọn CĐ cùng ngành yêu thích, không nhất thiết phải lao vào ĐH.

Các đơn vị đồng hành:



Huy Lân

Chia sẻ