Điều kiện để đăng ký là nam, nữ có độ tuổi từ 18 – 30, trong đó nam cao 1,6 m và nặng 55 kg trở lên, nữ cao 1,5 m và nặng 45 kg trở lên; tốt nghiệp THCS trở lên; không mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh có ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Hợp đồng lao động là 3 năm, với thu nhập trung bình khoảng 32 triệu đồng/tháng.

UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ vay vốn; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các điều kiện, tiêu chuẩn việc làm, quyền lợi, nghĩa vụ và các chế độ chính sách khác liên quan đến người lao động khi đi làm việc ở Nhật Bản.

Lao động Đồng Tháp tìm hiểu thông tin và đăng ký đi làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết từ đầu năm đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người (tại Nhật Bản 32.053 người, Đài Loan – Trung Quốc 15.633 người, Hàn Quốc 1.209 người, Singapore 853 người…).

Theo Dolab, hơn 2 năm qua, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có chính sách phòng chống dịch Covid-19 đã gây hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc. Tuy nhiên đến nay, một số thị trường ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp nên nhu cầu tiếp nhận lao động đang tăng lên. Do đó, Việt Nam đặt chỉ tiêu trong năm 2022 đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hoàn toàn khả thi.


Tin-ảnh: N.Huỳnh