Chiều 14-7, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai báo cáo những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo và tình hình thực tiễn thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh – quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quang cảnh hội nghị

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết trong giai đoạn 2005-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10,22%năm, giai đoạn 2006-2010 là 13,55%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và giảm tỉ trọng ngành nông – lâm – nghiệp. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 115,25 triệu đồng/người, tương đương trên 5.010 USD/người, tăng gấp 2,27 lần so với giai đoạn 2001-2005.

Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai cũng còn những vướng mắc, điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép tỉnh được sử dụng số tiền hơn 4.100 tỉ đồng đã bố trí và đã tiết kiệm được từ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đề đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.773 ( tuyến Long Thành – Cẩm Mỹ – Xuân Lộc). Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.311 tỉ đồng, đây là tuyến đường quan trọng kết nối cổng phía đông Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với các tỉnh miền Trung.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho hay tỉnh còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn cần tháo gỡ

Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét triển khai đầu tư 3 dự án khu công nghiệp Long Đức 3 (253 ha), Bàu Cạn – Tân Hiệp (2.627ha) và Xuân Quế – Sông Nhạn (3.695 ha) để kịp đón đầu làn sóng đầu tư khi Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đi vào vận hành, khai thác.

Tỉnh Đồng Nai đề nghị tăng tỉ lệ để lại cho ngân sách tỉnh để địa phương có đủ nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể, dự kiến năm 2022, tỉnh Đồng Nai sẽ thu ngân sách gần 60.000 tỉ đồng; tỉ lệ điều tiết là 45% (năm 2020 là 47%).

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho rằng Chính phủ cần “khoan sức” cho các vùng chiến lược (ví dụ tỉnh Đồng Nai – PV) để các vùng này “cất cánh”. “Hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh Đồng Nai so với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu kém hơn nhiều lắm, thiệt thòi cho người dân, mặc dù là tỉnh công nghiệp! Cái giá để có 60.000 tỉ đồng cho ngân sách là tỉnh Đồng Nai phải thu hút lao động phổ thông nhiều, tạo gánh nặng xã hội, an sinh, y tế, giáo dục rất lớn” – Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh trăn trở.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho rằng Chính phủ cần “khoan sức” cho vùng chiến lược

Về vấn đề liên kết vùng, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng cần có một thiết chế, chính sách để thống nhất vùng. Cụ thể, cần có một tổng chỉ huy có quyền lực; phải có động lực cho mỗi địa phương; hợp tác phải thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; phải có nguồn lực, ngân sách chung…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận những kiến nghị nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn mà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nêu ra và sẽ trình Chính phủ để cùng các bộ, ngành tháo gỡ.


Nguyễn Tuấn