– TS Nguyễn Vinh Huy, Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, trả lời: Từ ngày 1-1-2021 có nhiều thay đổi liên quan đến việc nghỉ hưu và lương hưu. Cụ thể là thay đổi số năm đóng BHXH với lao động nam để tính mức lương hưu. Theo điểm a, khoản 2 điều 74 Luật BHXH năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của người lao động (NLĐ) được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH. Trong đó, nếu nghỉ hưu vào năm 2021, số năm đóng BHXH của lao động nam – để tương ứng với tỉ lệ lương hưu 45% – được tính là 19 năm (tăng 1 năm so với năm 2020). Sự thay đổi này không tác động tới lao động nữ, vẫn là 15 năm như từ năm 2018. Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%, mức tối đa lương hưu bằng 75%. Về thay đổi điều kiện hưởng lương hưu, nếu như trước đây, NLĐ trong điều kiện bình thường sẽ được nghỉ hưu vào năm 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ nhưng từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng. Theo khoản 2, điều 162 Bộ Luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 3 tháng, nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 4 tháng. Khi đủ tuổi như trên và có đủ 20 năm đóng BHXH, NLĐ được nghỉ hưu và hưởng lương hưu. Đây là quy định đối với các trường hợp phổ biến, ngoài ra còn có các trường hợp đặc biệt như làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại…


Chia sẻ