Việc đổi rác thải lấy thực phẩm nằm trong chương trình “Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch” được triển khai tại nhiều địa điểm ở TP Hà Nội từ ngày 22-9, tức là ngay sau khi thành phố hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo chương trình được triển khai tại 20 địa điểm ở TP Hà Nội này, người dân có thể mang rác thải đến để đổi lấy thực phẩm mang về.

Tất nhiên, không phải mọi loại rác thải đều có thể mang tới để đổi lấy thực phẩm, mà đó là phế liệu rắn có khả năng tái chế như chai, lọ nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt… hay nồi, xoong, chảo cũ. Những phế liệu này khi mang tới sẽ được quy thành tiền và người dân lấy thực phẩm mang về tương ứng số tiền có được. Thực phẩm đổi phế liệu ở đây cũng là thực phẩm sạch, từ rau củ quả đến thịt, cá đều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã qua kiểm định, bảo đảm an toàn, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu và không thuốc tăng trưởng.

Người dân phấn khởi với thực phẩm đổi được từ rác thải phế liệu tại gian hàng ở phố Văn Miếu (Hà Nội) – Ảnh: Vân Anh

Ý tưởng về chương trình “Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch” được hình thành từ những ngày TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. Những ngày này, việc thu gom rác thải là cả vấn đề nên dễ dẫn tới ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, cuộc sống người dân cũng gặp khó khăn nhất định. Thế nên, việc đổi phế liệu lấy thực phẩm đạt được mục tiêu kép – vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa phần nào giúp vơi bớt khó khăn của người dân.

Với 20 địa điểm “Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch”, kết quả đưa lại trong thời gian qua còn khá khiêm tốn, như mới thu gom được khoảng hơn 1 tấn rác thải rắn sau 2 tuần đầu tiên. Tuy nhiên, thông điệp tích cực từ chương trình này cần lan tỏa mạnh hơn nữa. Một trong những giá trị tích cực và lớn lao nhất là gia tăng ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thiết thực của mỗi người vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là từ rác thải của một đô thị lớn như TP Hà Nội với dân số cả chục triệu người.

Theo số liệu chính thức, là một trong 2 đô thị đông dân nhất của cả nước, tổng trọng lượng chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày của TP Hà Nội hiện lên tới khoảng 7.000 tấn/ngày. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở thủ đô lúc này vẫn chủ yếu là chôn lấp, tới 98% tổng lượng thu gom. Điều này dẫn tới nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Trên thực tế, TP Hà Nội từng xảy ra các cuộc “khủng hoảng rác thải” khi người dân sinh sống gần những nơi chôn lấp rác thải rắn của thành phố chặn xe chở rác do tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Bởi thế, mong rằng mô hình “đổi rác lấy thực phẩm” được nhân rộng hơn nữa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn và góp phần thiết thực xử lý vấn đề rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở thủ đô.


Phạm Dương

Chia sẻ