Chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua” do báo Đại đoàn kết tổ chức ngày 7-4 tại Hà Nội, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhận định tình trạng trầm cảm ở học trò hiện nay là khá phổ biến. “Thống kê cho thấy tỉ lệ 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. Những vụ việc học sinh tự sát liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước tràn ly làm xã hội băng khoăn, lo lắng”- GS Nguyễn Lân Dũng cho hay.

Nhà văn Hoàng Anh Tú, diễn viên Thu Quỳnh và GS Nguyễn Lân Dũng nói về những áp lực và trầm cảm tuổi học đường

Nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyên gia tư vấn tâm lý tuổi mới lớn, chia sẻ anh nhận được rất nhiều thư từ của các con khi là “anh Chánh Văn” của báo Hoa Học Trò.

“Các con chia sẻ rất nhiều áp lực, là những tâm sự, nỗi buồn và cả những bức xúc. Chúng tôi chứng kiến những đứa trẻ trưởng thành trong đau đớn. Cha mẹ mang áp lực công việc, xã hội về trút lên con, áp lực thành tích thầy cô trút lên học trò, những định kiến xã hội, áp lực từ bạn bè… Chuyện ở trong lớp, một em chưa đóng tiền học phí cũng thành áp lực. Rất nhiều lá thư tâm sự các con đều là từ những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi chuyện đó là bình thường. Thật sự các con hoàn toàn cô độc và người lớn chúng ta hay bỏ qua”- nhà văn Hoàng Anh Tú nói.

Chuyên gia tư vấn tâm lý tuổi mới lớn này khẳng định áp lực đang đến từ khắp mọi nơi trong cuộc sống, trong khi đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không quen với việc chịu áp lực sớm như vậy. Nếu như thế hệ 6x, 7x, 8x còn có các tờ báo để viết thư tâm sự thì học sinh bây giờ không có. Mọi thứ của các em bị đẩy lên mạng xã hội trong khi đây là môi trường cực kì nguy hiểm.

Trước nỗi lo của các phụ huynh khi con em sử dụng quá nhiều mạng xã hội, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng không nên cấm đoán trẻ vì chúng lớn lên không phải lúc nào bố mẹ cũng luôn ở cạnh. Một đứa trẻ trưởng thành có quyền tự do cá nhân. Nên việc cần làm là hướng chúng vào mục tiêu, mục đích sống. Mà để làm được điều đó, bố mẹ phải làm gương để các con theo.

“Theo tôi, bố mẹ, thầy cô là những tấm gương từ đó soi vào tâm hồn đứa trẻ. Tâm trạng của trẻ phải theo dõi, trầm cảm phải có triệu chứng nên người lớn phải biết để phát hiện, chăm sóc, và khắc phục. Nếu bố mẹ chỉ lo kiếm tiền mà lơ là việc chăm sóc con thì các con sẽ học theo những điều không lành mạnh. Tôi mong rằng cả xã hội nêu những tấm gương tốt giúp xã hội lành mạnh, trẻ em phát triển lành mạnh”- GS Nguyễn Lân Dũng nêu ý kiến.

Cùng quan điểm không cấm đoán trẻ em tham gia mạng xã hội, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng cần sử dụng mạng xã hội để làm kênh gần gũi các em. Người lớn tự bảo vệ mình, còn trẻ em thì ai bảo vệ? Đó phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta đã có luật An ninh mạng và có những cơ quan có trách nhiệm ở lĩnh vực này.

Diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn khi mắc bệnh trầm cảm

Diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ chị nhìn thấy một điểm chung đấy là đa phần các bậc phụ huynh không tìm được tiếng nói chung với con.

“Tại sao lại như vậy? Trong khi, chúng ta là người lớn, chúng ta có kinh nghiệm, chúng ta cần trở lại tuổi thơ để đi tìm điểm chung giữa bố mẹ và con cái. Tại thời điểm đấy, chúng ta cần gì nghĩ gì để hiểu con hơn. Hãy bắt đầu từ mạng xã hội để tìm thấy tiếng nói chung với con cái. Người lớn cũng cắm mặt vào điện thoại thì không thể nói trẻ em khi các em cắm mặt vào điện thoại. Khi tôi đặt điện thoại và bắt đầu nói chuyện với con thì thấy con cởi mở hơn” – diễn viên Thu Quỳnh nói.

Nữ diễn viên cho rằng mỗi người cần đặt ra thử thách, ví dụ mỗi tuần dành một ngày không sử dụng điện thoại, khóa Facebook. 

“Chúng ta sẽ nhận thấy nhiều giá trị xung quanh cuộc sống. Tôi đã từng khóa Facebook 1 tháng, tài khoản mạng xã hội nào tôi cũng có nhưng cho đến thời điểm hiện tại tôi hạn chế sử dụng mạng xã hội. Làm thế nào để vượt qua những ngày khó khăn khi mắc bệnh trầm cảm? Hãy đặt ra những câu hỏi cho con: “Tại sao chúng ta có mặt trên cuộc sống”, “Sự sống có ý nghĩa như thế nào”. Đấy là cách mà gia đình có thể đồng hành cùng con cái, hiểu những mong muốn của con” – nữ diễn viên phim “Quỳnh búp bê” tâm sự.


Yến Anh