Các cấp Công đoàn cũng đã tổ chức được 16.290 cuộc tuyên truyền về kỹ năng sống cho hơn 3 triệu CN-LĐ (đạt 41,4%). Nhiều Công đoàn cơ sở đã thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện cho CN-LĐ tham gia học tập nâng cao trình độ; vận động xây dựng quỹ khuyến học, hỗ trợ đào tạo lại tay nghề cho CN-LĐ.

Trong quá trình triển khai đề án, cũng đã xuất hiện một số mô hình hay, cách làm tốt như: xây dựng “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ CN-LĐ; vận động người sử dụng lao động hỗ trợ người lao động học tập nhưng vẫn trả lương…

Cảng Bến Nghé là đơn vị luôn hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định trong thời gian tới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Nguồn lao động dồi dào giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam. Tình trạng thiếu việc làm sẽ xảy ra khi robot thay thế sức người, nhất là với một số ngành sử dụng nhân công giá rẻ khác.

Với điều kiện trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chính trị và tác phong công nghiệp của CN-LĐ còn nhiều hạn chế thì việc nâng cao trình độ mọi mặt cho CN-LĐ vẫn là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Do đó, cần phải tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CN-LĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.


T.Ngôn

Chia sẻ