TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN, cho biết thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 kéo dài khiến học sinh, sinh viên (HS-SV) ở một số trường nghề chưa được thực hành, thực tập. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Do đó, khi các hoạt động được mở lại ở trạng thái bình thường mới, nhà trường và DN cần phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng tay nghề cho HS-SV.

Sinh viên Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu tham gia học kỳ doanh nghiệp tại Khu Công nghệ phần mềm – ĐHQG TP HCM

Việc liên kết giữa nhà trường và DN không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo đơn thuần mà còn cả vấn đề thực tập, thực hành nhằm giúp HS-SV vững tay nghề sau khi đi làm việc. Tuy nhiên, do dịch bệnh và nhu cầu của thị trường ngày càng phát triển nên việc đào tạo cũng như yêu cầu về kỹ năng của HS-SV đã có những thay đổi. Việc đào tạo HS-SV đa kỹ năng là điều hoàn toàn đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, các trường cần sàng lọc xem DN nào đang có nhu cầu cấp thiết, sau đó sàng lọc với số lượng phù hợp để đưa HS-SV đi thực tập.

Thực tế cho thấy những gián đoạn do đại dịch Covid-19 khiến HS-SV các trường thuộc khối GDNN phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức hơn. HS-SV phải được đào tạo tay nghề thông qua trải nghiệm thực tế trên các máy móc, thiết bị, hoạt động dịch vụ trực tiếp. Do vậy, việc HS-SV đến trường học tập và đến trải nghiệm nghề thực tế tại DN là điều hết sức quan trọng.

Theo khảo sát, nhu cầu về lao động qua đào tạo chiếm đến gần 90% tổng cầu. Trong khi đó, năm nay, các DN đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất, hoàn thiện các kế hoạch mà năm cũ chưa làm xong nên nhu cầu lao động qua đào tạo lại càng cao hơn. 


Tin-ảnh: G.Nam

Chia sẻ