Đây là đợt trồng đánh giá toàn bộ tập đoàn nguồn gien đậu nành hiện có để làm vật liệu lai tạo giống, nhằm phát triển các giống đậu nành mới có chất lượng dinh dưỡng và năng suất cao, phù hợp với các vùng nguyên liệu khắp cả nước, phục vụ việc sản xuất sữa đậu nành tại 3 nhà máy của Vinasoy trên cả nước.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đinh Công Chính – Phó trưởng Phòng Cây lương thực, cây thực phẩm Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết thời gian qua, diện tích và sản lượng đậu nành cả nước liên tục giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2010, diện tích trồng đậu nành đạt 197.800 ha thì năm 2021 chỉ còn hơn 37.000 ha, giảm hơn 75% so với năm 2010. Việt Nam sẽ thiếu hụt 3,5 – 5 triệu tấn đậu nành/năm, trở thành nước nhập khẩu đậu nành lớn với kim ngạch 2 – 3 tỉ USD/năm, tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay. Nhờ sở hữu nguồn gien đậu nành quý, đa dạng cùng nền tảng nghiên cứu tiên tiến, Vinasoy có nhiều cơ hội chọn và tạo ra các giống đậu nành tốt, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, phù hợp với yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Đây là việc làm mang tính dài hạn, bền vững – vừa có tư duy chiến lược vừa ứng dụng được công nghệ cao trong công tác chọn và tạo giống, phát triển vùng trồng.

Cư Jut là địa phương trồng đậu nành quy mô lớn nhất tại Đắk Nông, chính quyền huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch vùng chuyên canh đậu nành 1.000 ha tại đây. 


T.Nhân