Hằng năm khi trời quang mây tạnh, những cơn gió đều đều thổi cùng cái se se lạnh của những ngày cuối năm, má lại thức thật sớm tráng bánh để phơi cho kịp nắng trong ngày. Nhìn góc sân nhỏ đầy những vỉ bánh, tôi lại biết thế là sắp Tết.

Góc sân má phơi bánh ngày giáp Tết

Má thường làm bán nhiều loại bánh dân gian Nam Bộ nhưng vào dịp Tết con mới được thưởng thức món bánh tráng nướng, thứ bánh cần nhiều nắng, nướng lên vàng giòn thơm béo mùi nước cốt dừa và sữa đặc. Má làm để cả nhà ăn và mời khách, hay bán cho mấy cô chú trong xóm.

Cuộc đời của má dường như đã gắn chặt với chái bếp, lò bánh với đủ loại bánh thay đổi mỗi ngày và cái bọc chứa đầy tiền lẻ. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, mỗi ngày má bán bánh nào là y như rằng tôi được “mở hàng” và thường tự nhận vui rằng: “Con ăn bánh của má mà lớn chứ ít ăn cơm”. Rồi sau này tôi đi học và đi làm xa, má vẫn miệt mài với công việc mà mình yêu thích. Với má, làm bánh bán cho khách là một sứ mệnh. Má vui khi tụi nhỏ trong xóm ăn bánh rồi khen: “Trời sinh cô Ba để bả làm bánh ngon cho tụi mình ăn”.

Lò bánh sớm của má

Mấy ngày Tết về quê là y như rằng tôi lại được no nê nhiều loại bánh: bánh tráng má phơi khô, nướng sẵn bọc kín để con về là có ăn ngay; bánh tét nấu vội trước khi đón giao thừa; bánh bò, bánh da lợn má làm cúng ông bà; bánh chuối hấp, bánh bèo, bánh sùng lá rau mơ, bánh lọt, bánh ướt ngọt, bánh ướt mặn… má làm bán từ mùng 4, mùng 5 Tết để bà con đi làm xa về lại có dịp được thưởng thức thứ bánh thân quen như nhắc nhớ về những tháng ngày gian khó, nghĩa tình. 

Hình ảnh hạnh phúc mãi khắc sâu trong ký ức của tôi là lúc ba xay bột còn má ngồi cho từng muỗng gạo vào cối, thi thoảng lại nhìn nhau trìu mến, đầy sự quan tâm. Hay những lúc tụ tập cùng nhau gói bánh tét mừng năm mới. Ba đào đất làm cái lò nấu bánh. Má thì muốn có bánh đẹp nên học làm bánh tét ba màu. Bà ngoại và mấy dì cùng phụ gói, tiếng cười nói rôm rả cả cái bếp.

Ba má tôi bên chiếc cối xay bột

Trong các loại bánh của má, tôi thích nhất là bánh lọt, thứ bánh hai màu trắng xanh thơm mùi lá dứa, ăn cùng với nước đường và nước cốt dừa, thêm chút nước đá mát lạnh để đưa cái mềm mượt béo ngọt chạy xuống dọc cổ họng. Vì vậy mà những lúc Tết con về là má lại bán bánh lọt như một lời cầu chúc “trót lọt”, suôn sẻ đầu năm.

Công đoạn cho bột mới nấu chín vào khuôn để tạo hình bánh cũng rất đẹp mắt. Cả nhà cùng nhau người giữ chặt, người nhận khuôn, người khuấy nước để sợi bánh không bị dính vào nhau.

Bánh lọt, món tôi thích nhất

Bánh bò và bánh ướt ngọt

Bánh ướt mặn

Bánh lá mơ, bánh chuối hấp

Bánh đúc

Bánh bèo, bánh bò

Bánh da lợn

Cũng nhờ cái nghề làm bánh mà gắn kết tình cảm của cả gia đình cùng làm, mà ba má có tiền nuôi anh chị em tôi ăn học và dạy chúng tôi nhiều điều. 

Má nói làm việc gì cũng phải kiên trì và cố gắng. Ngày trước học nghề chưa thành thạo làm bánh hư phải đổ bỏ nhiều lần mà má không hề nản chí, tiếp tục học hỏi, điều chỉnh và tích lũy cho mình những bí quyết. Nghề làm bánh này tuy dễ mà khó khi chỉ có mấy loại nguyên liệu giống nhau là bột gạo, bột mì, đường, dừa… pha trộn gia giảm mà cho ra hàng trăm loại bánh dân gian Nam Bộ. Quan trọng là má làm nghề bằng cái tâm. Bánh của má được làm từ những nguyên liệu sạch và màu tự nhiên. Thậm chí má đều biết những người khách của mình thích ăn món bánh gì, người nào có hoàn cảnh khó khăn là má thêm nhiều bánh hơn một chút.

Mấy ngày về Tết xong là tôi lại rời quê để đi làm. Ngày tôi đi má lại thức dậy thật sớm để làm ít bánh cho con mang theo. Ở nơi xa tôi lại nhớ về mảnh vườn xanh xanh màu lá dứa, tim tím màu hoa lá cẩm, nhớ về những âm thanh quen thuộc của tiếng máy xay bột, máy nạo dừa, nhớ về lò bánh sớm của má…


Ngô Hoàng Ân