Tôi cứ muốn viết gì đó về không gian bếp của gia đình mình. Nhưng chẳng hiểu sao cái nơi tưởng như gần gũi ấy, chỉ cần chạm vào là biết bao điều thân thương sẽ tuôn trào theo cảm xúc, mà lại khó viết đến vậy. Viết rồi xóa, viết đi viết lại nhiều lần vẫn chưa ưng ý thì mùa xuân đã đến bên bếp nhỏ tự lúc nào. Chính sự rộn ràng của mùa xuân và những nồng nàn hương vị Tết đã thôi thúc tôi cần phải giãi bày, chia sẻ.

Nhớ ngày còn ở với ba má, nơi góc bếp của gia đình trong mấy ngày Tết là rộn vui, ấm áp và đủ đầy nhất. Nhà nghèo, cuộc sống khó khăn nên đến Tết mới có những món ăn ngon, những mùi thơm mới mẻ.

Gian nhà lưu niệm trưng bày hình ảnh, hiện vật của gia đình tôi

Bếp nhỏ, lúc đầu là vách đất lợp tranh, sau xây gạch và đóng rui lách bằng tre rồi lợp ngói, nằm tách biệt với nhà trên để giảm bớt khói bụi. Bếp đun nấu toàn bằng lá cây, rơm rạ, củi tạp nên rất nhiều khói, bồ hóng đu bám đầy vách tường.

Để chuẩn bị Tết, ngay từ mùa hè, ba chặt cây sầu đông (quê tôi gọi là thầu đâu) chẻ phơi, xếp thành ô vuông vức để dành. Cây này mọc nhiều ở bờ rào, cành to, lợi củi, gỗ có vân sớ dễ chẻ, cháy bén, đượm than nên rất được ưa chuộng.

Ngày trước, khoảng rằm tháng chạp là mọi người lo rang nổ để dện cốm, bánh in. Hương thơm của mùi nếp nổ cùng tiếng pháo chuột tạch đùng ngoài ngõ như báo hiệu Tết cận kề.

Gian bếp bắt đầu thơm mùi của rim dừa, rim gừng, rim bí cùng các loại bánh kẹp, bánh thuẫn, bánh cốm, bánh in – tất cả đều tự nhà làm.

Ở quê tôi, Tết cũng gần với mùa gieo sạ, rồi mùa cấy dặm, nên má tranh thủ ngày ra đồng, tối lại cùng quây quần bên nhau để làm bánh, làm rim. Gian bếp ấm cúng, rộn ràng, thơm lừng lựng. Má nói phải làm sớm để có bánh trái cúng tiễn ông Táo về trời.

Những mùi thơm từ căn bếp tỏa lan, bay là là theo làn khói, quyện hòa trong sương sớm chớm xuân, càng nồng thơm hơn khi má sắp các loại bánh, rim đã làm xong vào một cái nia sạch, đem hong phơi dưới nắng vàng non tháng chạp để bảo quản được lâu. Hương thơm ấy cứ vương vấn mãi theo tôi qua biết bao mùa Tết.

Các món cúng được chuẩn bị

Thực tế, phải là mùi từ các món thức ăn mới hấp dẫn đặc biệt. Bữa ăn ngày thường chỉ là dĩa rau chén cá, thèm lắm miếng thịt heo béo ngậy, phải chờ đến Tết mới có. Khó khăn gì cũng phải có thịt heo trong mấy ngày Tết, trước để nấu nướng cúng kính ông bà tiên tổ, sau là cho con cái được ăn ngon vài bữa.

Người quê tôi thường nói: “Có nghèo cũng ba bữa Tết, có hết cũng mấy ngày mùa”. Từ nguồn thịt heo có vẻ dồi dào và phong phú đó, má làm nhiều món như: Hầm măng, luộc xắt phay, nướng lụi, nem chua, thịt muối…

Mùi thơm của các món ăn được chế biến từ thịt tràn ngập cả gian bếp, nhất là món thịt nướng. Nước mỡ chảy xuống than hồng kêu xèo xèo, khói bốc um lên kèm theo mùi thơm nức mũi – mãi là mơ ước, là ký ức của một thời thơ ấu.

Món nào cũng ngon, chỉ có canh khổ qua là tôi không thích vì nhẩn nhẩn đắng. Ba tôi “triết lý”: “Đắng gì mà đắng con, cuộc đời còn đắng hơn nhiều”!

Theo quan niệm của ba má, cúng tất niên bắt buộc phải có canh khổ qua. Có lẽ tên gọi của nó mang theo nguyện ước là khổ sẽ qua, năm mới sẽ sung sướng hơn nên Tết nào cũng có món này. Khi hiểu rồi, tôi không còn ngại nữa mà tự nhiên nhớ và yêu thích nó đến giờ.

Cúng tất niên luôn phải có món canh khổ qua

Từ mái bếp nhỏ của ba má, anh em tôi lớn lên, lập gia đình và có những góc bếp riêng. Phiêu bạt mưu sinh, cuối năm quay về đoàn tụ, gian bếp vẫn như xưa, vẫn ấm áp thơm nồng hương vị Tết.

Dù ba má lưng còng, tóc bạc nhiều nhưng nụ cười vẫn vẹn nguyên niềm thương ngày tháng cũ. Chỉ cần thấy ba má mạnh khỏe, anh em thuận hòa là hạnh phúc trào dâng mỗi dịp Tết sum vầy.

Tôi trở về gia đình nhỏ của riêng mình, nơi gian bếp luôn có người vợ đảm đang sớm tối. Công việc dẫu bộn bề, cuộc sống tuy vất vả nhưng góc bếp kia luôn ấm lửa từng ngày.

Mỗi mùa Tết đến, vợ là người lo trước tính sau, từ bao gạo, ký đường đến chai dầu, lọ mắm, sắp đặt đâu đó từng loại gọn gàng. Điều kiện bây giờ thuận lợi hơn trước nhiều nhưng vì muốn giữ nếp xưa nên vợ tôi thích tự rim bánh hoặc làm các món ăn, để cảm lưu hương vị Tết.

Tôi cũng thích thế nên phụ giúp vợ chung lo. Từ gian bếp nhỏ, Tết không đơn thuần là mùi củ kiệu, dưa hành, măng hầm, thịt nướng mà còn có hương vị tình cảm gia đình nồng nàn, đậm đà, đằm thơm như những giọt mắm nhỉ được chưng cất qua bao ngày tháng.

Theo cách của ba má, mâm cúng tất niên ở nhà tôi luôn có canh khổ qua. Thịt xay trộn với hành tiêu gia vị, nhồi vào từng trái khổ qua xanh mướt rồi nấu chín để dâng cúng trời đất. Món canh thơm thảo lòng thành và gửi theo lời khẩn nguyện năm sau…

Cũng theo truyền thống gia đình, sáng mùng 1 Tết là cúng mâm cơm chay. Ngày đầu năm mới, gian bếp chỉ có mùi của rau, trái, đậu, đỗ, xì dầu, tương, chao… nhưng tôi cảm được sự thanh tịnh, nhẹ nhàng, an lạc hơn trong lòng mình khi phảng phất mùi thức ăn chay tịnh nhẹ nhàng lan tỏa xung quanh, nghi ngút khói.

Vợ tôi nấu nướng trong những ngày Tết 2023

Có đủ bếp điện, bếp gas rất tiện lợi nhưng tôi vẫn đặt thêm một bếp củi phía hiên sau rộng rãi, có lẽ cái gốc quê mùa như ngấm vào máu thịt rồi. Cứ mỗi sáng tinh mơ, nhất là vào dịp Tết, lúc khí trời còn rất lạnh, tôi chẻ củi, nhóm bếp cho khói bay lên, cho lửa cháy bùng ấm áp, cho ấm trà thêm nồng hương đượm vị.

Tôi rất yêu thích căn bếp nhỏ. Mỗi khi về đến nhà, gian bếp là nơi tôi tìm đến đầu tiên, bởi nơi đó có má cả đời vất vả, có vợ tần tảo sớm hôm, có những ký ức ngọt ngào nuôi tôi khôn lớn, có hương vị ngọt ngào của bao mùa Tết xưa nay. 

Tết qua nhanh, tôi và mọi người quay trở lại với công việc thường ngày để lo toan cơm áo. Thời gian cứ trôi, đến khi những cánh mai vàng hé nụ báo tin xuân, khi mọi người rộn ràng chuẩn bị mùa Tết mới, trong tôi bỗng hiện về hình ảnh gian bếp nhỏ thơm nồng hương vị Tết xưa nay…

Mâm cúng đã sẵn sàng


Bài và ảnh: PHAN HUY THÙY