Ừ thì, hết Tết thật!

Tiếng xe cộ ngoài đường huyên náo nhưng lại khác với tiếng ồn ào lúc du xuân. Có lẽ bởi nó vắng đi tiếng cười đùa trò chuyện, rồi lại nhiều thêm mấy thứ đồ đạc lỉnh kỉnh. Dòng xe máy, rồi xe khách, cứ thế vùn vụt lướt qua, chở bao nhiêu người con xa xứ trở về với guồng quay mưu sinh. Hội ngộ rồi chia ly. Cái quy luật đó của đất trời đã quá quen thuộc, vậy mà năm nào lặp lại, ai nấy vẫn khó lòng chấp nhận. Người ta bảo thói quen là một thứ đáng sợ, dù chỉ tái lập trong mấy ngày xuân về. Quả là đúng thế thật.

Mẹ ngồi cắt sả để bán dịp Tết

Từ sáng tới giờ mẹ cứ thầm thì gì đó trong miệng tựa như nhẩm đếm xem còn thiếu cái nào. Bà khập khễnh lấy cái bao nhựa lúc trước đựng gạo, ngồi tỉ mẩn gói mấy thứ đồ ăn bỏ vô. Từ bịch ớt hái ngoài vườn, tới cái bánh ngọt mới xin trên bàn thờ, rồi khúc chả lụa, bó lá giang,… Cứ cái gì có thể đem theo là mẹ nhét vào hết, cột chặt. Mẹ lấy cây bút lông viết tên tôi và số điện thoại lên mặt trước của bao đồ, rồi cố cười giả lả: “Chữ mẹ đẹp nhất nhà đó nha bây”. Tôi ậm ờ, mà cười không có nổi. Sao mà, thấy thương mẹ quá chừng!

Thùng đồ ăn cơ mang thứ

Năm tôi mới tốt nghiệp thì ba mất. Mẹ con tôi chật vật vượt qua quãng thời gian tưởng chừng chết lặng. Những cái Tết quyện mùi khói trầm cứ ám ảnh tôi trong giấc ngủ cạn gần 4 năm trời. Rồi thì, người mất cũng đã mất, người sống thì phải tiếp tục sống. Mẹ lúi húi trồng rau ngoài vườn để kiếm thêm ít đồng. Tôi vào lại thành phố cố chen một chỗ đứng chật hẹp. Những cái Tết vắng ba bắt đầu bằng tiếng hỏi han “khi nào con về” của mẹ. Rồi kết thúc bằng hai chữ “hết Tết” và bao đồ ăn nặng trĩu mẹ bắt tôi đem theo. Lần nào cũng thế.

Năm 2021, dịch tràn về thành phố, tôi thất nghiệp. Tự bươn chải mấy công việc phụ để có tiền sinh hoạt, Tết về trong túi chỉ có đúng 500.000 đồng. Nhiều khi tự hỏi, 500.000 đồng mua được những gì dịp Tết? Bởi lúc về chỉ có cái ba lô nhỏ, mà lúc đi thì khệ nệ thùng này, bao nọ. Có lẽ câu trả lời luôn gắn liền với mấy cái “giao dịch bí mật” giữa mẹ con tôi.

Trứng được mẹ lót trấu để không bị vỡ khi di chuyển

Kia, mẹ đang nhét đầy thùng xốp những quả trứng gà lót trấu, nhồi một bao cơ mang đồ ăn, rồi lén bỏ vào ba lô mấy trăm ngàn được cột trong bì ni lông nhiều lớp. Tôi quay đi chùi khóe mắt, khàn giọng bảo mẹ: “Con không lấy đâu, vào đó cái gì chả có”. Mẹ nghe thế, lắc đầu: “Thành phố cái gì cũng có nhưng con của mẹ lại không có tiền.”

Tôi chỉ biết đỏ hoe mắt, sụt sịt nghĩ: “Mẹ cũng nào có tiền đâu cơ chứ?”

Bao đồ ăn mẹ chuẩn bị cho tôi khi vào lại thành phố

Tôi dành những ngày bên nhau cuối Tết để phụ mẹ dọn dẹp, làm vườn. Mẹ bị thoái hóa cột sống, đi lại đã rất khó khăn rồi. Mỗi lần mẹ bảo, chả biết còn được ăn mấy cái Tết đoàn viên, là tôi lại giận dỗi. Tôi bảo “con sẽ cố làm thật nhiều tiền để đưa mẹ đi chữa bệnh”. Mẹ vui mừng gật đầu nhưng lại chẳng bao giờ dám nhắc, sợ tôi bị áp lực.

Nhìn mẹ già yếu nhanh hơn tốc độ thành công của mình, tôi lại lén khóc, rồi lọ mọ thắp nhang cho ba, lẩm bẩm khấn nguyện cho gia đình dồi dào sức khỏe. Tôi chỉ còn có mẹ, để cùng trải qua những cái tết gọi là “đoàn viên” mà thôi.

Những ngày hết Tết trống trải tiếng cười nhưng lại đong đầy cảm xúc. Tôi ước năm sau mình có thể trả cho cái “giao dịch bí mật” đầy đồ ăn trong bao của mẹ bằng một số tiền hơn giá. Dù rằng mẹ xứng đáng với nhiều thứ giá trị hơn thế nhiều.

Tôi quay sang, thấy mẹ vẫn đang loay hoay tìm băng keo để dán lại thùng xốp, lòng có hàng vạn điều muốn nói, nhưng cuối cùng chỉ bật thốt được một câu cảm thán nhỏ:

Mẹ, xin lỗi, và cảm ơn mẹ, thật nhiều!


Nguyễn Trần Thanh Trúc

Chia sẻ