Mùng một Tết cha

Mùng hai Tết mẹ

Mùng ba Tết thầy

Mùng một Tết cha là về bái vọng tổ tiên bên họ nội. Người con khi trưởng thành đi làm ăn xa hoặc được dựng vợ gả chồng ra ở riêng, ngày Tết mới có dịp đi thăm gia đình, họ hàng, bạn bè… Và Mùng một, ngày thiêng liêng nhất trong năm là về thăm cha mẹ, họ hàng bên nội.

Ngày Mùng hai sẽ đi thăm bên ngoại (bên mẹ hoặc vợ). Mùng ba Tết thầy là sự nhắc nhở của người xưa đối với con cháu.

Trong ba ngày Tết – những ngày thiêng nhất trong năm, không chỉ bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình, họ hàng, mà còn phải biết ơn thầy cô giáo, những người đã nhọc công trong năm dạy dỗ mình.

Lớp chúng tôi 50 năm trước.

Cha mẹ đã cho con phần xác, còn thầy giáo là người vun đắp cho con phần hồn. Trí tuệ mở mang, sự khôn ngoan, tinh thông hiểu biết và thành đạt là nhờ ơn thầy cô sớm hôm tận tình chỉ bảo, truyền thụ mà nên.

Nghe lời ba dặn, gần 50 năm trước, thuở còn là học sinh trung học; năm nào cũng thế, cứ đến ngày Mùng ba Tết, nhóm bạn trung học của tôi lại rủ nhau đạp xe đi thăm các thầy cô giáo.

Tôi còn nhớ mãi năm đó, năm 1972, mấy ngày đầu năm trời Huế rất lạnh. Bầu trời sầm xuống một bầu không khí ẩm ướt đầy giá rét. Nhóm chúng tôi tập trung tại nhà một đứa bạn trong Thành nội, sau đó đi đến từng nhà thầy cô chúc Tết.

Trường học của chúng tôi ở Huế khi xưa.

Buổi sáng, trời lạnh buốt và mưa dầm dề. Cả nhóm mặc áo mưa lụng thụng rồi cùng nhau đạp xe đi. Chúng tôi đến chúc Tết thầy chủ nhiệm trước. Thầy chủ nhiệm là thầy giáo dạy Văn. Nhà thầy ở tại khu chợ Bao Vinh, sát bên bờ sông Hương Huế. Khi chúng tôi bước vào, thầy đang ngồi đọc báo tại một cái bàn nhỏ kê ở góc phòng.

Sau khi cởi rũ áo mưa, chúng tôi lần lượt lễ phép chào thầy. Thầy đứng dậy chào hỏi chúng tôi xong là đi vội vào trong, lấy mấy cái khăn còn mới để chúng tôi lau đầu, lau mặt cho khỏi ướt.

Nhà thầy nhỏ, không đủ ghế để ngồi, thầy lấy một chiếc chiếu hoa, trải ra trên nền nhà để chúng tôi ngồi thành một vòng tròn, thầy đem ra và đặt ở giữa là một tô hạt dưa thật lớn, một dĩa mứt gừng cùng với một bình trà nóng đựng trong vỏ trái dừa.

Sau đó, cả nhóm đứng dậy chung quanh Thầy và cô, tôi được cử đại diện để chúc Tết thầy cô. Tôi chúc Thầy và gia đình dồi dào sức khỏe trong năm mới. Thầy cũng chúc lại chúng tôi, năm mới tiến bộ trong học tập.

Thầy cô của trường ngày đó.

Cuối năm học đó, chúng tôi có kỳ thi Tú tài I, vì thế thầy nói vui: “Thầy chúc cho cả lớp mình cuối năm đậu 100%, bạn nào thi rớt, đến thăm, thầy sẽ bắt đứng phạt vòng tay”.

Chúng tôi cười vui vẻ và cùng hứa với thầy.

Tiếng mưa lộp bộp trên mái tole. Gió từ sông Hương thổi vào từng luồng hơi lạnh buốt, nhưng lòng tôi lại cảm thấy ấm cúng khi cùng bạn bè ngồi trò chuyện chung quanh thầy. Những câu chuyện râm ran kéo dài, kéo dài mãi, tình thầy trò thật gần gũi, ấm cúng biết bao. Tôi vẫn còn nhớ hôm đó, thầy đọc cho chúng tôi nghe bài thơ thầy mới sáng tác, đến nay tôi vẫn còn thuộc được mấy câu:

Anh ước hồi hương một sáng Xuân

Nhìn em nhìn Huế đẹp vô ngần

Rồi thôi phiêu bạt thôi nhung nhớ

Núi ngọc sông tình nước thủy tinh…”

Thấm thoát đã 50 năm trôi qua và cũng hơn 30 năm, tôi xa quê lên đường vào Nam lập nghiệp. Mỗi lần Tết đến, lòng tôi lại nao nao nhớ về chốn cũ. Đã xa rồi một thời hoa mộng, xa rồi những ngày xưa thân ái, xa rồi cái thuở cùng bạn bè Tết đến Xuân về đi chúc Tết thầy cô giáo, tất cả chỉ còn trong hoài niệm, chỉ còn trong ký ức về một thời áo trắng.

Bạn bè của tôi ơi.

Có còn nhớ sáng Mùng ba Tết lạnh buốt giá đó không?


Bài và ảnh: Tôn Thất Thọ

Chia sẻ