Đây là dự án chuẩn bị ra mắt khán giả khi hoạt động biểu diễn nghệ thuật được “mở cửa” trở lại sau những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Nói về dự án mới và cũng là món quà ý nghĩa đánh dấu chặng đường kỷ niệm 12 năm gắn bó với nghề, họa sĩ Đặng Trí Đức nói: “Lâu nay các nhân vật trong cổ tích Việt Nam luôn ám ảnh tôi. Mỗi nhân vật đều bước ra từ câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tính cách mỗi nhân vật khiến tôi bị cuốn hút khi đọc và nghiền ngẫm. Tôi đã nghĩ về cách tạo hình làm sao để tranh cát sẽ là cảnh trí, tạo không gian, thời gian, phép mầu, cộng với những biến hóa sinh động của những con rối bóng là tuyến nhân vật chính, cả hai tạo nên bức tranh tuyệt đẹp, lời thoại, lời hát của nhân vật hòa quyện với âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ. Tôi tin chỉ có tranh cát khi kết hợp với rối bóng mới tải hết thần thái của từng nhân vật cổ tích. Thời gian qua, tôi tập trung vào nghiên cứu bố cục kịch bản và công tác tạo hình, làm sao để hai ngôn ngữ này kết hợp sẽ truyền tải rõ thông điệp: Hãy trân quý cổ tích dân tộc Việt, nơi cho ta niềm tin chiến thắng, vươn tới thành công”.

Họa sĩ Đặng Trí Đức chế tác rối bóng và tranh cát cho dự án “Cổ tích Việt”

Theo họa sĩ Đặng Trí Đức, dự án mang tính cộng đồng này do anh tự bỏ tiền thực hiện, trước mắt sẽ diễn tại các trung tâm văn hóa, các trường học phục vụ khán giả trẻ, sau đó sẽ chào hàng các công ty du lịch lữ hành, các sân khấu có tổ chức sự kiện văn hóa để hướng đến khán giả trẻ và du khách, khi mọi hoạt động trở lại bình thường.

Từ chặng đường dài gắn bó với tranh cát, vừa qua, họa sĩ Đặng Trí Đức đã cùng nhiều nghệ nhân của bộ môn này thành lập Hội Tranh cát Việt Nam, hoạt động với phương hướng trao đổi kinh nghiệm và truyền nghề. Anh cũng vừa hoàn tất giáo trình giảng dạy nghệ thuật trình diễn tranh cát để trao tặng cho Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM – nơi anh được đào tạo đạo diễn, với mong muốn bộ môn này sẽ được đưa vào giảng dạy cho thế hệ trẻ trong thời gian tới.


Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Chia sẻ