Số liệu thống kê của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho thấy hơn 1/3 ca nhiễm và tử vong đến từ khu vực Madrid (8.921 ca nhiễm và 804 ca tử vong).

Tây Ban Nha cùng với Ý là 2 nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong vòng một ngày. Ngoài ra, Tây Ban Nha có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ý.

Chính phủ Tây Ban Nha đã siết chặt công tác phòng chống dịch bệnh, yêu cầu người dân ở trong nhà. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez mô tả Covid-19 là dịch bệnh “tàn khốc”, làm tê liệt các nhu cầu xã hội. Hôm 18-3, ông phát biểu trước quốc hội chỉ có vài quan chức tham dự rằng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra”.

Tây Ban Nha có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ý. Ảnh: AA

Cảnh sát Tây Ban Nha siết chặt kiểm soát biên giới. Ảnh: EPA

Cảnh sát ở Barcelona yêu cầu người dân trở về nhà để tránh dịch. Ảnh: The New York Times

Người đứng đầu khu vực Madrid Isabel Diaz Ayuso cảnh báo “hầu hết người dân ở thủ đô của Tây Ban Nha sẽ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, tỉ lệ cứ 10 người thì có 8 người nhiễm”. “Mặc dù hầu hết những người mắc bệnh đều thể hiện triệu chứng nhẹ song virus SARS-CoV-2 có thể gây chết người ở nhóm dân số dễ bị tổn thương, như người già hoặc những người gặp vấn đề sức khỏe trước đó” – bà Ayuso cho biết thêm.

Ngoài Tây Ban Nha, số ca nhiễm Covid-19 ở một số nước châu Âu đang tăng nhanh hơn ở Ý, khoảng 25% tại Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Hà Lan và Bỉ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố chương trình hỗ trợ trị giá 750 tỉ euro (803 tỉ USD) trong nỗ lực giúp giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh.

Tất cả các nước châu Âu sẽ cần tài trợ thâm hụt ngân sách rất lớn trong một năm khi GDP của họ thậm chí có thể giảm từ 5% trở lên. Tại Ý, Tây Ban Nha và một vài quốc gia khác, thâm hụt có thể vượt quá 10% GDP, theo nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của Ngân hàng Berenberg (Đức).

Hầu hết cửa hàng ở Tây Ban Nha vẫn mở cửa vào cuối tuần. Ảnh: The New York Times

Đường phố ở Barcelona vắng tanh. Ảnh: The New York Times


Phạm Nghĩa (Theo The Guardian, Express, CNBC)