Ngày 19-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Quang Nghĩa – Giám đốc Công viên Văn hóa An Hòa (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) – nhìn nhận những vấn đề báo nêu trong bài “Nhếch nhác Công viên Văn hóa An Hòa” là đúng thực trạng đang tồn tại ở công viên này.

Công viên Văn hóa An Hòa giờ chủ yếu để kinh doanh quán nhậu, cà phê

Công viên Văn hóa An Hòa có diện tích hơn 39 ha. Nơi đây được biết đến là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của TP Rạch Giá. Tuy nhiên, hiện nhiều khu vui chơi giải trí đã xuống cấp, hư hỏng, đang chờ thanh lý phế liệu. Hạ tầng, cảnh quan trong tình trạng bị bỏ phế nhiều năm không được đầu tư, tái thiết.

Đập vào mắt khách tham quan là hồ nước rộng nhiều hecta giữa công viên đã ô nhiễm trầm trọng. Rong rêu, cỏ rác nổi lềnh bềnh, xung quanh là hàng quán vây kín, rất nhếch nhác.

Hồ nước lớn giữa công viên đang ô nhiễm

Giám đốc công viên cho biết hiện không có phương án khắc phục hồ nước ô nhiễm. “Hồ này trước rất trong và sạch, là nơi hoạt động các trò chơi dưới nước, câu cá… Quanh hồ xây kè hàng trăm tỉ đồng, nhưng toàn bộ công trình đã sạt lở hoàn toàn xuống hồ từ nhiều năm trước. Nhất là thời gian tạm ngưng hoạt động 2 năm do dịch bệnh COVID-19, hồ mọc rất nhiều rong, hiện chưa có biện pháp khắc phục”- ông Nghĩa thừa nhận.

Ông Nghĩa cho biết Công viên Văn hóa An Hòa là đơn vị sự nghiệp có thu. Hiện cả ban giám đốc và nhân viên có tổng số 21 người, trong đó có 8 biên chế, 7 hợp đồng lao động hưởng lương ngân sách, 6 hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu của công viên.

Nhiều công trình bê tông xây dựng tràn lan khi chưa có quy hoạch

“Năm 2022, tổng thu của công viên chỉ 1,7 tỉ đồng, chủ yếu từ các hoạt động hội Xuân từ ngày 30 đến mùng 6 Tết. Nguồn thứ 2 là cho thuê hồ bơi, nhà hàng tiệc cưới, sân khấu tổ chức sự kiện. Riêng phần cho thuê mặt bằng bán giải khát và quán ăn gia đình thì thu không đáng kể, chỉ trên dưới 20 hộ, giá thuê từ 1-2 triệu đồng/tháng. Có một quán cho thuê hơn 6 triệu đồng/tháng đã thanh lý hợp đồng và hiện chưa cho ai thuê. Các trường hợp thuê mặt bằng kinh doanh đều có hợp đồng ngắn hạn và không qua đấu thầu, do đề án điều chỉnh quy hoạch công viên hiện chưa được phê duyệt”- ông Nghĩa nói.

Từ trước đến nay, việc cho thuê mặt bằng tại công viên này đều không qua đấu thầu

Ông Nghĩa cũng thừa nhận toàn bộ sân chơi dành cho thiếu nhi và người lớn trong công viên đã ngưng hoạt động vì cũ kỹ và hư hỏng, không có kinh phí để mua mới, trong khi phải chờ có đề án điều chỉnh quy hoạch công viên mới có thể kêu gọi đầu tư. “Ngoài ra, còn rất nhiều hạng mục đang chờ đợi đầu tư như hạ tầng đường, nước và điện chiếu sáng… Tình trạng công viên hiện nay phải thừa nhận là còn thiếu thốn trăm bề và nhếch nhác, nếu không khắc phục kịp thời thì sẽ “chết dần chết mòn” là điều không thể tránh khỏi”- ông Nghĩa phân trần.

Hạ tầng, điện, nước vẫn chưa được quan tâm đầu tư dù công viên đi vào hoạt động hàng chục năm nay

Năm 2018, tỉnh Kiên Giang kêu gọi đầu tư Dự án Công viên Văn hóa An Hòa với tổng vốn 150 tỉ đồng, gồm các hạng mục: Hoàn chỉnh hạ tầng (điện, cấp nước, thoát nước); các cụm cảnh quan; các dịch vụ khu vui chơi dưới nước; nhà hàng tiệc cưới… Đây còn là nơi tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm… Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có nhà đầu tư nào dòm ngó.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sáu – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang – cho hay đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào dự án Công viên Văn hóa An Hòa. Còn đề án quy hoạch, tái thiết công viên vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ.


DUY NHÂN