Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội chiều 23-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá từ giai đoạn 2 (từ ngày 6-3) đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 39 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19, trong đó có 30 trường hợp từ các vùng dịch về, 9 trường hợp lây nhiễm chéo. Dịch bệnh đang diễn ra phức tạp tại các nước. Một số nước đã trở thành trung tâm đỉnh dịch mới. Các nhà khoa học cũng chưa nhận định được bao giờ dịch kết thúc.

Người thân tới gửi đồ tiếp tế cho những người trong khu cách ly tại Pháp Vân, Hà Nội – Ảnh: Ngô Nhung

Trên địa bàn TP Hà Nội, số lượng người về nước trong mấy ngày qua tăng cao. Tuy nhiên, số lượng này dự kiến sẽ giảm vì các chuyến bay từ các nước đã tạm dừng. Hôm nay 23-3, sân bay Nội Bài tiếp nhận khoảng 1.000 người Việt Nam về nước, ngày mai dự kiến khoảng 300 người. Hiện nay, dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn trên địa bàn TP Hà Nội khi đã có ca bệnh lây nhiễm khi đi lại và lây nhiễm chéo trong gia đình.

Ông Nguyễn Đức Chung nhận định giai đoạn này dịch bệnh phức tạp, khó khăn hơn so với giai đoạn 1, trong 2 tuần tới sẽ là giai đoạn cao điểm nên TP phải tập trung mọi nguồn lực để phát hiện dịch bệnh, xét nghiệm, quản lý tốt các nơi tập trung để không bị lây nhiễm chéo, kể cả bệnh viện. “Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn tiệm cận và gắn liền với các quyết định chiến thắng hay là thua, nếu khoanh vùng tốt, phát hiện ca bệnh sớm, đưa đi cách ly đối với trường hợp nghi nhiễm, đưa vào viện chữa bệnh đối với các ca dương tính và chữa bệnh thành công là sẽ thắng lợi” – ông Nguyễn Đức Chung nói.

Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, phường, xã phải xác định quan trọng nhất hiện nay là khâu chữa bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện. Từ đó, xác định công tác chuẩn bị mọi nguồn lực, trang thiết bị để thực hiện việc điều trị cho bệnh nhân. Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu bằng mọi biện pháp, phải phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ và xét nghiệm nhanh; nhanh chóng phát hiện dương tính, cách ly nguồn bệnh; lấy mẫu xét nghiệm để phân loại; tổ chức khám chữa bệnh thành công.

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cũng cho hay theo một số thông tin chưa chính thức thì hiện nay có nước đã phải chọn giải pháp chữa người mắc Covid-19 có chọn lọc chứ không phải tận tình như ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu thân nhân những người đang được cách ly tập trung không gửi đồ ăn thức uống lên khu cách ly, các cán bộ quản lý không được nhận đồ đạc của người thân những người đang được cách ly vì rất có thể trong quá trình gửi đồ sẽ gây ra nguy hiểm vì đồ ăn chưa được khử khuẩn. “Cơ quan chức năng phục vụ rất tận tình, chu đáo cho những người được cách ly tập trung, chính vì vậy, mọi người yên tâm” – ông Nguyễn Đức Chung nói và cho biết tất cả trường hợp được đưa vào khu cách ly tập trung thì phải được xét nghiệm 2 lần, khi về phải cách ly thêm 14 ngày.

2 trường hợp nghi nhiễm ở Khu công nghiệp Thăng Long

Theo lãnh đạo huyện Đông Anh (Hà Nội), trên địa bàn có 2 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long.

2 người này đi công tác từ Malaysia đến Nội Bài hồi 14 giờ 20 phút ngày 17-3, sáng 18-3, làm việc tại Công ty Panasonic thuộc Khu công nghiệp Thăng Long, đến 14 giờ chiều thì có ho sốt và được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

2 trường hợp nghi ngờ này đã trực tiếp tiếp xúc với 19 công nhân của Khu công nghiệp Thăng Long và 5 người ở nơi cư trú. “Ngay trong đêm, chúng tôi đã sàng lọc, phân tích, đánh giá, đưa toàn bộ những người tiếp xúc gần đến các bệnh viện, đồng thời tiến hành khử khuẩn ở Công ty Panasonic và khu cư trú của 2 người này. Hiện đang chờ kết quả xét nghiệm 2 người này” – lãnh đạo huyện Đông Anh cho hay.


B.H.Thanh