Theo Aerospace Corporation, công ty nghiên cứu và phát triển về không gian được Mỹ tài trợ, dự đoán mới nhất về vị trí mà tàn dư của tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống là gần Đảo Bắc của New Zealand. Tuy nhiên, công ty này cũng cảnh báo những mảnh vỡ trên có thể rơi xuống bất cứ đâu.

Theo đài CNN, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đang theo dõi quỹ đạo của tên lửa nhưng không thể xác định chính xác điểm rơi.

Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã dự đoán “vùng rủi ro” bao gồm New York, châu Phi, Úc, phía Nam Nhật Bản và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Hy Lạp.

Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng từ Hải Nam – Trung Quốc hôm 29-4. Ảnh: Reuters

Phạm vi được dự đoán dựa trên tốc độ rơi nhanh của phần tàn dư tên lửa do những tác động nhỏ cũng có thể thay đổi đáng kể quỹ đạo của nó.

Theo hãng tin Reuters, Cơ quan Giám sát và Theo dõi Không gian EU (EU SST) cho rằng xác suất mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi ở vùng đông dân cư là “thấp” nhưng cũng cảnh báo về những rủi ro không đoán trước được.

Ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn tại Trường ĐH Harvard (Mỹ), nói với đài CNN rằng tình hình không quá nghiêm trọng. Theo ông McDowell, đại dương vẫn là nơi các mảnh vỡ hạ cánh khả dĩ nhất vì đại dương chiếm hầu hết bề mặt trái đất.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7-5 cho biết hầu hết các mảnh vỡ từ tên lửa sẽ bốc cháy khi rơi xuống trái đất và ít có khả năng gây ra bất kỳ tổn hại nào. Phía Trung Quốc cũng cho rằng thông tin tên lửa này đã mất kiểm soát và có thể gây hại là sự cường điệu của phương Tây. Giới chuyên gia Trung Quốc cũng cho hay tình hình không có gì đáng lo ngại.

Trường Chinh 5B, cao hơn 30 m và nặng 22 tấn, bao gồm một tầng lõi và 4 tên lửa đẩy, được phóng từ đảo Hải Nam của Trung Quốc hôm 29-4 và mang theo mô đun không người lái Thiên Hà, chứa những bộ phận để lắp ráp thành nơi ở cho phi hành đoàn trên một trạm vũ trụ mà Trung Quốc đang xây dựng trong không gian. Vụ phóng Thiên Hà là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 việc cần thiết để hoàn thành việc thiết lập trạm vũ trụ của Trung Quốc.

Đây là phần quan trọng trong kế hoạch đầy tham vọng làm chủ không gian và thăm dò mặt trăng, thậm chí là cả sao Hỏa của Trung Quốc.


Xuân Mai

Chia sẻ