Ngày 8-7, tại Đà Nẵng, Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ (VSTBPN) ngành ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Phụ nữ ngành ngân hàng năm 2022.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của ngành ngân hàng giai đoạn 2021 – 2030, kết quả nghiên cứu hiện trạng nữ giới ngành ngân hàng và tọa đàm với chủ đề “Phụ nữ ngân hàng: Bình đẳng, tiến bộ vì mục tiêu phát triển bền vững”.

Tọa đàm với chủ đề “Phụ nữ ngân hàng: Bình đẳng, tiến bộ vì mục tiêu phát triển bền vững”

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Trưởng ban VSTBPN ngành ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho hay Ban VSTBPN đã có nhiều hoạt động nổi bật, ký kết nhiều quy chế phối hợp, triển khai thúc đẩy bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025.

Cạnh đó, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã làm tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, trong đó có lao động nữ, có chính sách hỗ trợ cho lao động nữ có lợi hơn so luật định, đặc biệt là các chính sách đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ,….

Ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban VSTBPN ngành ngân hàng, cho hay trong giai đoạn 2021 – 2030, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, đặt nhiều mục tiêu như: Đến 2030, 100% cơ quan, đơn vị thuộc NHNN có nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt; bảo đảm tỉ lệ nữ chiếm ít nhất 40% trong tổng số người được tuyển dụng mới của ngành; từ năm 2025, 100% cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp (từ cấp phòng trở lên) trong ngành được trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng quản lý, lãnh đạo,…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam yêu cầu xác định phát triển đội ngũ cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong triển khai công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tâm huyết với công việc.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ban VSTBPN và Công đoàn các cấp cần hạn chế tối đa hoạt động hình thức, tập trung triển khai các giải pháp để tạo sự thay đổi tích cực cả trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, lãnh đạo về công tác cán bộ nữ. 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị xây dựng các chương trình đào tạo dành cho cán bộ nữ của NHNN diện quy hoạch, có tiềm năng để bồi dưỡng phát triển theo Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”. 

“Ngành ngân hàng cần tăng cường tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc triển khai công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và các phong trào thi đua mang tính đặc thù về giới trong ngành ngân hàng” – Thống đốc NHNN Việt Nam khẳng định và đề nghị Ban VSTBPN và Công đoàn NHNN Việt Nam phải thúc đẩy triển khai giải pháp để phụ nữ ngành ngân hàng thể hiện trách nhiệm xã hội, có đóng góp vào sự phát triển chung của phụ nữ Việt Nam và của cộng đồng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN và Hội LHPN Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan. 

Trong đó, một số mục tiêu và nội dung quan trọng như thực hiện hiệu quả hơn các chính sách về tài chính toàn diện; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các nguồn tín dụng khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận một cách thuận lợi phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống và các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Qua đó,  góp phần nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.


Hải Định