Đây là đề xuất của Cảng vụ Hàng không miền Nam về các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn các hiện tượng chèo kéo, ép giá cước vận tải, hoạt động xe dù, giả taxi chèo kéo, móc nối, bắt khách sai quy định tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

Đây cũng là một trong những biện pháp để bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách dịp lễ 2-9 khi dự kiến mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 120.000 lượt khách. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, đề xuất Sở Giao thông Vận tải TP HCM chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông duy trì công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất; tăng cường các chuyến, tuyến xe buýt sử dụng xe chất lượng cao, phù hợp để chở khách ra, vào sân bay.

Cảng vụ kiến nghị Công an quận Tân Bình chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lập hồ sơ phân loại, theo dõi quản lý các đối tượng hoạt động trái phép, vi phạm quy định gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Duy trì tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với hiện tượng chèo kéo, ép giá cước vận tải, hoạt động xe dù, giả taxi chèo kéo, móc nối, bắt khách sai quy định, chở khách ra khỏi sân bay sau đó lấy giá cước sai quy định…

Nhiều giải pháp được đề xuất tại cuộc họp kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 30-8

Tại cuộc họp của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chiều 30-8, đại diện Công an quận Tân Bình nhìn nhận khu vực sân bay là địa bàn trọng điểm theo chỉ đạo của UBND TP HCM và Công an TP HCM. Vừa qua, Công an quận đã tham mưu, xử lý ngay sau những thông tin phản ánh nạn chặt chém, làm giá của các phương tiện xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng…

“Cần chấm dứt hợp đồng với các hãng không đáp ứng yêu cầu hoặc để xảy ra vi phạm; chỉ đạo lực lượng kiểm soát an ninh hàng không kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đón, trả khách của taxi, xe hợp đồng trên các làn A,B,C và trong nhà xe TCP (làn D, D1, D2)” – ông Nguyễn Minh Tuấn đề xuất giải pháp với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

“Chúng tôi cũng tăng cường lực lượng cảnh sát hình sự để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tình trạng có giảm và cải thiện nhiều, nhưng khó xử lý triệt để vì mức phạt chưa đủ mạnh, cần có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với các hành vi chèo kéo, làm giá” – đại diện Công an quận Tân Bình kiến nghị. 

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất yêu cầu các hãng taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng có xe hoạt động tại sân bay cần tăng cường quản lý, bảo đảm duy trì số xe theo hợp đồng đã cam kết. Các hãng xe phải có quy trình hoạt động, có số điện thoại đường dây nóng, giá dịch vụ niêm yết tại quầy, trên xe, công khai cho khách biết để phản ánh, liên hệ…

Nhiều ý kiến đề xuất tăng cường biển báo thông tin, hướng dẫn, tuyên truyền cho hành khách đón xe hợp đồng, taxi, xe công nghệ và xe buýt tại sân bay. Ảnh hành khách ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 30-8

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhận định đối với các xe hợp đồng đón khách ở sân bay cần thống nhất không mời gọi khách, để tránh lẫn lộn giữa hành vi chèo kéo và mời khách. Chỉ cần đứng ở vị trí nhất định là khách sẽ biết xe hợp đồng, xe taxi hay xe công nghệ để đặt. Các đơn vị như thanh tra giao thông cần công bố số điện thoại đường dây nóng (là số di động) để hành khách phản ánh khi bị chặt chém, làm giá..

“Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần đẩy mạnh tuyên truyền để hành khách biết khu vực nào đón xe hợp đồng, taxi, xe công nghệ, xe buýt…, tăng cường thông tin kể cả biển báo, ưu tiên cung cấp thông tin trên các biển báo cho hành khách. Xe buýt là một trong những phương tiện giải tỏa khách nhanh, nhưng theo phản ánh hiện chưa phù hợp vì xe buýt không có chỗ để hành lý, vị trí đỗ cần điều chỉnh phù hợp hơn” – ông Khuất Việt Hùng nói.


Thái Phương. Ảnh: Lam Giang