Có thể nói, lâu nay công tác an toàn lao động (ATLĐ) tại một số doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được quan tâm, còn lơ là, chủ quan hoặc chỉ để đối phó khi có đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc. Trong khi đó, tại công trình xây dựng thường có nhiều yếu tố rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra TNLĐ chết người bất cứ lúc nào. Cũng vì vậy mà TNLĐ nghiêm trọng vẫn cứ xảy ra tại nhà máy, công xưởng, công trình có dán đầy đủ nội quy, băng rôn, khẩu hiệu… về ATLĐ.

Việc đào tạo, huấn luyện và phổ biến công tác ATLĐ tại nhiều DN cũng qua loa, “cưỡi ngựa xem hoa” nên người lao động thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về ATLĐ.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra về ATLĐ, bảo hộ lao động của các cơ quan chức năng ít nhiều vẫn chưa sát với thực tiễn và có hiệu quả. Việc kiểm tra chủ yếu dựa trên hồ sơ sổ sách của DN, thiếu kiểm tra tại hiện trường đang thi công nhằm nhanh chóng phát hiện các yếu tố nguy hiểm, có nguy cơ gây mất ATLĐ hoặc các hành vi vi phạm pháp luật của DN…

Việc xử lý các vụ TNLĐ chết người còn quá nhẹ, rất ít vụ TNLĐ bị khởi tố, điều tra mà thường thông qua thương lượng bồi thường để được bãi nại, coi như xong trách nhiệm. Cơ quan chức năng cũng coi đó là tình tiết khắc phục hậu quả, từ đó dẫn đến một số DN xem thường công tác ATLĐ.

Từ thực trạng đó, phải siết chặt công tác ATLĐ, mạnh tay hơn nữa đối với các vụ TNLĐ nghiêm trọng thông qua việc sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành để tăng nặng mức phạt; thậm chí truy tố và xử mức án cao với chủ DN và những người có trách nhiệm liên quan, liên đới để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng do chủ quan, thiếu các biện pháp ATLĐ. Có như vậy mới mong nâng cao công tác ATLĐ trong DN và trên mỗi công trình, giảm bớt những vụ TNLĐ.


Nguyễn Đước