Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2021, cả nước có gần 2.000 vụ trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành được phát hiện, xử lý, giảm khoảng 1,6% so với năm trước. Tuy nhiên, đã xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận xã hội. Điều đáng nói là phần lớn trẻ bị xâm hại, bị bạo hành từ trong gia đình bởi chính cha mẹ, người thân.

Đây chỉ là con số thống kê mang tính tương đối. Còn biết bao vụ trẻ bị xâm hại, bị bạo hành chưa được phát hiện, xử lý kịp thời? Chắc chắn là con số không nhỏ.

Thực tế, nhiều vụ trẻ bị người thân xâm hại, bạo hành nhưng khó phát hiện bởi gia đình sống khép kín, ít giao tiếp, thường xuyên đóng cửa. Trong khi đó, hiện nay trẻ vẫn chưa được giáo dục, huấn luyện kỹ năng tự vệ, quyền “bất khả xâm phạm về thân thể” để có thể tự bảo vệ hoặc mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm pháp luật của người thân. Đó là chưa kể vẫn còn nhiều quan niệm giáo dục sai lầm hoặc xem là “chuyện nhà người ta” nên không can thiệp.

Mừng là gần đây, ý thức cũng như trách nhiệm bảo vệ trẻ em từ cộng đồng xã hội, người có trách nhiệm (như đội ngũ y – bác sĩ ở các cơ sở y tế) đã cao hơn. Nhiều vụ trẻ bị bạo hành được phát hiện và cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng nhờ tin báo của người dân, người có trách nhiệm.

Để chung tay bảo vệ trẻ em, ngoài việc cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc khi tiếp nhận tin báo; xử lý nghiêm, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cũng cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những người đã báo tin hay tố giác những hành vi xâm hại, bạo hành đối với trẻ em. Đó cũng là cách để khuyến khích, nâng cao trách nhiệm của công dân, cộng đồng trong nhiệm vụ bảo vệ trẻ em.


Nguyễn Đước