Đáng nói là, nhiều bãi tắm, khúc sông, kênh mương, hố sâu tiềm ẩn rủi ro nước sâu, nguy hiểm chết người chưa được cảnh báo, cho đến khi xảy ra đuối nước chết người mới đưa ra hàng loạt chỉ đạ “kiểm tra”, “rà soát”, “chấn chỉnh”, “xử lý”.

Đuối nước không loại trừ bất kỳ ai, vùng miền nào nhưng có thể hạn chế, đẩy lùi và tránh những rủi ro có thể xảy ra. Ngoài kiến thức kỹ năng mỗi người, đòi hỏi đơn vị quản lý thực hiện tròn vai trò chức năng và nhiệm vụ được giao.

Trước tiên, lập bản đồ các điểm nóng thường xảy ra tai nạn đuối nước, cắm biển cảnh báo những nơi nguy hiểm, tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng tránh tai nạn cũng như lường trước nguy cơ tiềm ẩn hay sự cố có thể xảy ra đuối nước.

Phối hợp với gia đình và nhà trường quản lý học sinh trong khoảng thời gian không đến trường, nhất là dịp nghỉ hè. Hơn nữa, đặt ra mục tiêu cụ thể, tối thiểu có bao nhiêu trẻ em biết bơi, mỗi năm giảm đuối nước bao nhiêu phần trăm so với cùng kỳ trước đó… Nên có kế hoạch bài bản, lâu dài bằng chương trình hành động thiết thực, quan tâm đầu tư ngân sách đúng mức trong xây dựng cơ sở vật chất, xã hội hóa thể thao dưới nước, rèn luyện bơi an toàn…

Trong trường học, bên cạnh truyền thụ kiến thức, hãy dạy cho học sinh những kỹ năng sinh tồn; bên cạnh dạy bơi, hãy rèn luyện cho học sinh kỹ năng xử lý tình huống, nhận biết nguy hiểm, biết bảo vệ bản thân và tập thể khi tiếp xúc môi trường nước, thực hành những cách phòng tránh rủi ro đuối nước.

Phòng tránh đuối nước còn là trách nhiệm và là mối quan tâm của cả xã hội, những người có kinh nghiệm và có thể lường trước các rủi ro có thể xảy ra. Như người lớn khi thấy trẻ em, học sinh tụ tập tắm hay chơi đùa gần nơi có nước thuộc khu vực nguy hiểm, hãy nhắc nhở các em, báo ngay cho gia đình hoặc nhà trường và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý gần nhất để kịp thời hỗ trợ. 


Đỗ Ngô Trần