Trong một nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam phát triển bền vững, Công ty Epson (Nhật Bản) nhấn mạnh: “Để doanh nghiệp có thể thành công trong nền kinh tế số đầy tính cạnh tranh như hiện nay, các công ty cần chú trọng tận dụng nguồn lực từ các công nghệ tiên tiến”. Và thực tế cho thấy từ đầu năm 2020 đến nay, chưa bao giờ công nghệ được cả thế giới coi trọng như vậy. Cũng như chưa bao giờ các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối internet, lại có thể phát huy hiệu quả mang tính toàn cầu như hiện nay. Người ta hiểu rằng phòng chống dịch chỉ có ý nghĩa bền vững nếu như biết toan tính cả cho thời hậu dịch để có thể nhanh chóng phục hồi. Các doanh nghiệp sẽ hơn hay thua nhau là ở chỗ này.

Ứng dụng công nghệ bây giờ được cụ thể hóa là chuyển đổi số mọi hoạt động của xã hội nói chung và của từng cá thể (cơ quan, tổ chức) nói riêng. Và không phải chỉ có các cơ quan, tổ chức mà bản thân từng người trong xã hội cũng phải chuyển đổi số, “nâng cấp” theo để có thể thích ứng với cuộc sống mới, thời 4.0.

Vì lẽ đó, khi đẩy mạnh chuyển đổi số cho mình, các cơ quan, tổ chức cũng phải nghĩ tới việc bao hàm luôn cả yếu tố chuyển đổi số cho người dân, cụ thể là người dùng dịch vụ của mình. Nếu không, sẽ gây ra bất cập, khập khiễng và kém tác dụng, thậm chí có thể gây ra những phản ứng ngược. Chuyện này bao gồm 2 biện pháp: Một là thiết kế dịch vụ thân thiện và lấy người dùng làm trung tâm; hai là đẩy mạnh truyền thông cho cộng đồng. Chuyển đổi số là một giai đoạn mới và cao hơn trên hành trình tin học hóa. Nếu số hóa chỉ mang tính cục bộ thì chuyển đổi số là toàn diện và ở trên mạng mang tính kết nối toàn cục. Thí dụ, bạn số hóa các văn bản giấy nhưng để chuyển đổi số thì bạn phải đưa văn bản đó lên mạng mà mọi người có thể truy cập và tương tác trong một nền tảng, một hệ sinh thái sâu rộng.

Có thể nói, nếu không biết tận dụng nguy cơ đặc biệt không thể lường trước được là đại dịch Covid-19 để làm cú hích giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thay đổi tất cả theo hướng tích cực hơn thì chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội khó tìm và cũng chẳng ai tự nhiên muốn tìm lần thứ hai.


Phạm Hồng Phước

Chia sẻ