Bộ Y tế cho biết đến nay, đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trước diễn biến phức tạp tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP HCM – Ảnh: HCDC

Cụ thể, trước ngày 1-7, căn cứ thông tư 13, 14, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

Từ ngày 1-7, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi: Thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.

Khi có giải pháp thực hiện gộp mẫu để tiết kiệm chi phí và đáp ứng yêu cầu khẩn trương về thời gian và số mẫu, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu, cụ thể: Mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu; mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp (ví dụ nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10…) để giảm tối đa giá của xét nghiệm.

Nói về giá xét nghiệm nhanh Covid-19 có sự chênh lệch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết giá test xét nghiệm SARS-CoV-2 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu test có tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì giá cao so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất; nếu test có xuất xứ ở các quốc gia Âu- Mỹ thì thường đắt hơn nơi khác;

“Ở giai đoạn cao điểm dịch gia tăng, nhà cung ứng ít thì đương nhiên giá sẽ cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được test xét nghiệm và bán phi lợi nhuận. Ngoài ra, nếu mua với số lượng nhiều thì thường giá sẽ rẻ hơn so với số lượng ít”- ông Thuấn giải thích.

Test nhanh SARS-CoV-2

Theo ông Thuấn, trước tình trạng này, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19 theo từng giai đoạn.

Đến nay, Bộ Y tế chủ yếu xây dựng hướng dẫn chuyên môn, cấp phép cho các loại xét nghiệm, đồng thời tham gia công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm chuẩn và chủ yếu các vật tư, sinh phẩm y tế, test kit xét nghiệm nhanh, xét nghiệm Realtime RT – PCR qua các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp.

“Bộ Y tế chưa mua sắm mặt hàng này, việc đấu thầu, thực hiện mua sinh phẩm, test kit chủ yếu do các địa phương thực hiện. Đơn vị sản xuất/nhập khẩu, thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm”- Thứ trưởng Thuấn cho biết.

Cũng theo ông Thuấn, hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành. Đồng thời, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật.


D.Thu – H.Nguyễn

Chia sẻ