Chiều 13-8, Bộ Y tế quyết định cử thêm GS-TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng; GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, và PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, vào miền Trung phối hợp với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng các chuyên gia đã có mặt tại khu vực này, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.

Từ trái qua phải: GS-TS Nguyễn Gia Bình, GS-TS Nguyễn Văn Kính và PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu vừa được Bộ Y tế cử vào miền Trung hỗ trợ chống dịch Covid-19

GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu… của các BV và viện lớn như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, BV Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP HCM , Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… lên đến hàng trăm người vào hỗ trợ BV Trung ương Huế cơ sở 2, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam, BV Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hòa Vang, BV Phổi Đà Nẵng và một số cơ sở y tế khác của Đà Nẵng… về điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch…

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế, báo cáo tại điểm cầu BV Trung ương Huế cơ sở 2 – Ảnh: Bộ Y tế

Cho tới thời điểm này, đã hơn 20 ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, số ca mắc đã cơ bản được khống chế tại 2 địa phương này. Tuy nhiên, số ca nặng vẫn là thách thức lớn đối với đội ngũ các y bác sĩ điều trị. Hiện các bệnh nhân đang được điều trị tại 24 bệnh viện, trong đó có khoảng 15 bệnh nhân Covid-19 nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm như: Tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, ECMO (tim phổi nhân tạo), tiên lượng tử vong cao.

Đến tối 13-8, đã có 20 bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó Đà Nẵng có 15 trường hợp, số tử vong còn lại ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết so với bệnh nhân số 91, ca bệnh nặng nhất trong đợt điều trị trước, những bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng có bệnh nền nặng và thời gian bệnh dài. Chính vì những bệnh nền đó, gây ra những biến chứng như suy tim, suy thận, suy kiệt cơ thể. Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng của các bệnh nhân tại Đà Nẵng là rất kém. “Cơ thể bệnh nhân đã bị giảm miễn nhiễm và với việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập thì đây là một cơ hội làm tình trạng bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Có những bệnh nhân mặc dù chúng ta đã nỗ lực cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi”- PGS Sơn chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (áo kẻ) đang chỉ đạo công tác chống dịch Covid-19 – Ảnh: T.Dũng

Theo ông Sơn, trong số các bệnh lý nền mà bệnh nhân Covid-19 mắc phải thì nguy hiểm nhất là các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, đặc biệt là các bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo hơn 10 năm dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở cơ thể gia tăng.

Ngoài ra, những biến chứng như suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp, tạo cơ hội cho virus xâm nhập cơ thể thì khả năng đáp ứng của bản thân đã bị đè nén và không thể phản ứng lại được với sự xâm nhập của virus. Đây là cơ hội lớn để virus làm gia tăng những biến chứng của các bệnh lý nền của người bệnh. Mặc dù được sự hỗ trợ của các bác sĩ hồi sức, nhưng một số bệnh nhân đã tử vong vì những biến chứng đó.

Đến thời điểm này, bên cạnh công tác điều trị cho các bệnh nhân nặng, tại các cơ sở điều trị khác, công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 khác cũng được Bộ Y tế hết sức chú trọng.


D.Thu

Chia sẻ