Công văn số 2237 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả buổi làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành với địa phương và các DN xuất khẩu gạo ngày 26-3 vừa qua cho biết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình cao với việc đặt an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu.

Tuy nhiên, lượng lúa gạo còn tồn trong dân và doanh nghiệp là khá lớn. Do đó, các tỉnh, TP và các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cân nhắc thêm về giải pháp theo hướng vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia vừa giảm thiểu gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo. “Các ý kiến đề nghị đoàn kiểm tra xây dựng phương án xuất khẩu có kiểm soát chặt chẽ để báo cáo Thủ tướng, cố gắng đạt được mục tiêu kép là bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, duy trì được sản xuất và tăng trưởng kinh tế” – báo cáo nêu.

Cụ thể về tình hình tồn kho, báo cáo nêu sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn lúa, trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn, sản lượng vùng ĐBSCL ước đạt 10,8 triệu tấn. Tác động của hạn mặn không đáng kể nên sản lượng lúa gạo tại ĐBSCL dự kiến tương đương năm 2019.

Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN-PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn lúa. Cụ thể, tiêu thụ của người dân 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.

Như vậy, lượng lúa còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Bộ Công Thương nhận định tác động của hạn mặn không đáng kể nên sản lượng lúa gạo tại ĐBSCL năm 2020 dự kiến tương đương năm 2019.

Với riêng vụ Đông Xuân, diện tích bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn là không đáng kể. Dự kiến sản lượng năm nay tương đương năm 2019. Sau khi trừ nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thuế xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn, tính cả gối đầu từ năm 2019 qua là 3,2 triệu tấn. Quý I đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn nên còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.

Từ đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án: sau khi tính toán kỹ để bảo đảm an ninh lương thực, có thể cho phép xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt chẽ số lượng xuất khẩu theo từng tháng.

Trước mắt, tháng 4 và 5, cần khoảng 300.000 tấn gạo để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng Cục Dự trữ Nhà nước và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng là 700.000 tấn.

Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 vào khoảng 800.000 tấn. Trước mắt, trong tháng 4, cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.


Ngọc Ánh – Thùy Dương