Những hy sinh thầm lặng

Y sĩ Nguyễn Ngọc Hà, sinh năm 1973, quê Tiền Giang là nhân viên y tế Trạm y tế xã Thạnh An, cùng là nhân viên y tế duy nhất trực cấp cứu ở Trạm y tế ấp Thiềng Liềng. Năm 1990, huyện Cần Giờ trong đó có Thạnh An là điểm nóng về bệnh sốt rét. Hàng trăm diêm dân (người làm muối) từ nơi khác đến Thạnh An làm việc và mắc bệnh. Anh Hà khi đó 17 tuổi được cử đi học kỹ thuật viên xét nghiệm sốt rét, từ đó gắn bó với y tế Thạnh An. 

Khi ấy Trạm y tế xã Thạnh An còn đơn sơ, riêng ấp Thiềng Liềng với khoảng 1.000 dân chỉ có một tổ y tế với một nhân sự duy nhất do anh Hà đảm trách. Việc di chuyển từ Thạnh An vào đất liền (Cần Giờ) rất khó khăn, mỗi ngày chỉ có một chuyến đò duy nhất dài khoảng 1,5 giờ. Anh thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh không có điện, không có máy móc, phương tiện. 

Một ca cấp cứu trong đêm ở xã Thạnh An, do sóng to gió lớn phải di chuyển vào đất liền bằng thuyền gỗ. Ảnh: Thanh Trường

Giữa một đêm mưa mùa hè năm 2005, anh Hà nhận được cuộc gọi cầu cứu từ gia đình sinh sống giữa rừng ngập mặn, báo có thai phụ vỡ ối chuyển dạ. Gia đình đang chuẩn bị đưa sản phụ lên ghe đưa tới trạm xá xã. Anh Hà một tay xách vội túi đồ sơ cứu, một tay gọi điện thoại về trạm y tế đề nghị nữ hộ sinh cùng đến hỗ trợ. Tuy nhiên, trong lúc đội y tế đang chèo ghe tới nhà, sản phụ cũng chưa ra tới ghe, em bé đã sinh rớt ra ngoài. Anh Hà hướng dẫn người nhà không tự cắt dây rốn cho em bé, tránh nhiễm trùng mà đặt bé nằm trên bụng người mẹ, ủ ấm cho hai mẹ con. Sau đó, nữ hộ sinh đến cắt dây rốn, xử trí ban đầu và đưa hai mẹ con về trạm y tế chăm sóc. May mắn, hai mẹ con đều khoẻ mạnh, an toàn. Bé gái năm đó hiện đang học lớp 12. 

Tương tự, năm ngoái, TP HCM còn giãn cách vì dịch Covid-19, một ca sinh rớt ở ấp Thiềng Liềng cũng được hỗ trợ kịp thời. 

Để gắn bó với nghề y suốt 32 năm không ngừng nghỉ, anh Hà đã hy sinh niềm vui cá nhân, thậm chí kinh tế gia đình vợ phải gánh phần hơn, chưa một lần anh bộc bạch hay than trách. Tổng lương chưa đến 8 triệu đồng/tháng, chỉ đủ anh trang trải tiền xăng xe, ăn uống đi học lên y sĩ. Chuyện đi học của các con đều do vợ anh chăm lo. Có thời điểm cả ba cha con cùng đi học,  ruộng muối vợ phải quán xuyến. 

Từng ấy năm làm nhiệm vụ anh Hà chưa bao giờ thả lỏng bản thân, dám uống say một lần, bởi anh lo lắng trên ấp có ca cấp cứu như: tai nạn lao động, sinh nở, rắn cắn…

“Tôi may mắn có vợ luôn là hậu phương vững chắc để yên tâm làm nghề, cống hiến cho xã hội, bỏ qua việc nhà ưu tiên việc nước. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng bám trụ mảnh đất này vì đây là quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi đã lớn lên và gắn bó suốt đời” – bác sĩ Hà chia sẻ.

Bỏ phố về đảo

Về trạm sau anh Hà, nhưng bác sĩ Luân Thanh Trường, sinh năm 1966, Trưởng trạm cũng đã gắn bó với người dân ở đây ngót nghét 15 năm. Từ lâu người dân nơi đây đã xem bác sĩ Trường là người nhà, họ chia sẻ yêu thương nhau như người thân ruột thịt. 

Nhà ở quận Bình Thạnh nhưng bác sĩ Trường lại lựa chọn cống hiến hết cả tuổi thanh xuân của mình cho người dân xã đảo Thạnh An. Năm 1991, bác sĩ Trường rời quân ngũ, học y tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đến năm 2004, anh nhận công tác tại Trạm Y tế Lý Nhơn (xã đất liền thuộc huyện Cần Giờ). Lúc bác sĩ mới đến công tác, đời sống người dân ở đay còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng vốn mang trong mình máu lính, anh đã không chùn bước, quyết bám trụ để chăm sóc sức khoẻ người dân nơi đây. Năm 2008, bác sĩ Trường được rút về một bệnh viện tuyến quận, tuy nhiên anh lại lựa chọn xã đảo Thạnh An để làm việc.

Bác sĩ Luân Thanh Trường (áo xanh), Trưởng Trạm y tế xã Thạnh An cùng 4 bác sĩ tình nguyện đến thăm khám, tặng túi thuốc cho người dân.

“Thực ra khi đó học xong ngành y tôi cũng có nhiều cơ hội ở trong nội thành, nhưng sau vài lần xuống Cần Giờ, đặc biệt là Thạnh An, tôi thấy người dân ở đây rất khổ, họ cần tôi hơn. Nếu bệnh nhân ở đất liền không có tôi họ có thể tìm bác sĩ khác để khám, nhưng người dân ở đây thiếu tôi thì họ ít đi một cơ hội khám bệnh. Người dân tìm đến mình khó khăn thì mình chủ động tìm đến họ, san sẻ khó khăn cùng họ” – bác sĩ Trường nói.

Lúc anh quyết định đến Thạnh An, bạn bè và gia đình rất bất ngờ, có đôi lời trách nhưng khi nghe anh nói về cảnh vất vả của người dân lúc đau ốm, họ dần ủng hộ. Anh nhớ mãi trường hợp một em bé đi chăn vịt bị rắn cắn không được sơ cứu kịp thời nên tử vong. Anh ám ảnh và cảm thấy nhói lòng mỗi khi nhắc lại, từ đó quyết tâm nâng cao năng lực điều trị, trang thiết bị y tế cho xã đảo.

“Tôi phải lòng Thạnh An từ lúc bước chân đến đây bởi sự hồn hậu, chất phát, chăm chỉ của người dân nơi đây. Để rồi tôi quyết định gắn bó với đảo đến bây giờ, có thể đến lúc tôi về hưu và già đi” – bác sĩ Trường bộc bạch.

Theo bác sĩ Luân Thanh Trường, Trạm y tế xã Thạnh An đang thiếu nhân sự và cơ sở vật chất, để đáp ứng được với sự phát triển của nhiều mặt bệnh hiện nay cần nâng chất lượng khám chữa bệnh xã. Trạm y tế Thạnh An hiện có 8 nhân viên, trong đó có 1 nữ hộ sinh tăng cường của Trung tâm y tế huyện, 1 bác sĩ, 2 y sĩ đa khoa, 2 điều dưỡng, 1 dược sĩ, 1 nữ hộ sinh.


Bài, ảnh: Nguyễn Thuận