Báo cáo của AP giữa tuần này tiết lộ hơn 3.600 chuyến hàng gỗ, kim loại, cao su và những hàng hóa khác từ Nga đã cập cảng của Mỹ kể từ tháng 2 năm nay. 

“Đó là mức giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021 với khoảng 6.000 chuyến hàng từ Nga đến Mỹ nhưng chúng vẫn mang lại giá trị thương mại hơn 1 tỉ USD mỗi tháng cho Moscow. Hàng hóa Nga cập cảng Mỹ gần như hằng ngày” – AP viết. 

Hàng hóa được tìm thấy trên cả những con tàu đi từ TP St.Petersburg – Nga đến Baltimore, sau đó cập cảng Mỹ. 

AP lưu ý rằng việc cấm nhập khẩu một số hàng hàng hoá của Nga có thể sẽ gây hại cho các lĩnh vực liên quan ở Mỹ hơn là ở Nga. Trong khi một số nhà nhập khẩu Mỹ được cho là tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế ở nơi khác, nhiều nhà nhập khẩu khác không có lựa chọn như vậy.

Các container hàng hoá tại cảng ở Baltimore. Ảnh: AP

Theo báo cáo của AP, các hàng hoá được vận chuyển từ Nga là “hợp pháp và thậm chí được khuyến khích bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguồn gốc của hàng hoá được vận chuyển từ các cảng của Nga có thể khó phân biệt. Ví dụ, các công ty năng lượng Mỹ đang tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Kazakhstan thông qua các cảng của Nga mặc dù chúng “đôi khi được trộn với nhiên liệu bị cấm của Nga”.

Nhà kinh tế Jacob Nell của Công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley nói với AP rằng Nga là nước xuất khẩu chủ chốt các kim loại như nhôm, thép và titan. Nếu Moscow cắt giảm hoạt động thương mại, giá cả sẽ đội lên đáng kể đối với những người Mỹ vốn đang phải vật lộn với lạm phát.

Trong một diễn biến khác, Bulgaria đang xem xét lại lập trường của mình sau khi từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp đối với nhiên liệu của Moscow vào tháng 4 năm nay.

Bộ trưởng Năng lượng Rosen Hristov xác nhận với Nova TV ngày 26-8 rằng chính phủ Bulgaria đang cân nhắc tổ chức các cuộc đàm phán với Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) về việc nối lại nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. 

“Vẫn chưa có cuộc đàm phán tích cực nào với Gazprom nhưng chúng tôi đã đưa ra dấu hiệu muốn bắt đầu đàm phán, hay đúng hơn là tiếp tục đàm phán để làm rõ một số điều khoản gây tranh cãi của hợp đồng. Chúng tôi chỉ đơn giản gửi thông điệp rằng chúng tôi đã sẵn sàng đàm phán và yêu cầu họ nối lại liên lạc” – ông Hristov nói. 


Phạm Nghĩa