Thông tin trên do hãng tin nhà nước Belta dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết vào ngày 1-3. 

Ông Lukashenko nói: “Lực lượng đó là những đơn vị phản ứng nhanh được đào tạo bài bản, sẵn sàng ngăn chặn mọi hành động khiêu khích và bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Belarus”. 

Trước đó, ngày 24-2, ông Lukashenko tuyên bố quân đội Belarus có thể tham gia chiến dịch quân sự chống lại Ukraine của Nga nếu cần thiết. 

Chính quyền Minsk tiết lộ Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện cho ông Lukashenko vào khoảng 2 giờ sáng 24-2 (giờ GMT), thông báo Nga đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. 

Ngược lại, ông Lukashenko “đề nghị cho một số lực lượng Nga ở phía Nam Belarus ở lại” bất chấp việc cuộc tập trận chung giữa hai nước sắp kết thúc. 

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tham dự cuộc họp hội đồng bộ trưởng và an ninh ở Minsk ngày 1-3. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 1-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án cuộc tấn công của Nga vào quảng trường trung tâm ở TP Kharkiv là “hành động khủng bố”. 

“Sau hành động đó, không ai tha thứ. Không ai quên được” – ông Zelensky viết trên mạng xã hội Facebook. 

Phía Ukraine tố cáo Nga đã tiến hành một cuộc pháo kích lớn vào thành phố lớn thứ hai của họ – Kharkiv – với các mục tiêu là quảng trường trung tâm và tòa nhà hành chính dân sự. 

Cơ quan quản lý khẩn cấp Ukraine cho biết ít nhất 6 người, trong đó có 1 trẻ em, bị thương sau cuộc pháo kích. Không rõ có ai thiệt mạng hay không. 

Một tòa nhà hành chính ở TP Kharkiv trúng đạn pháo ngày 1-3. Ảnh: Reuters

Thị trưởng TP Kharkiv Oleg Sinegubov gọi đây là “tội ác chiến tranh”: “Nga đang pháo kích vào toàn bộ khu dân cư của Kharkiv, nơi không có cơ sở hạ tầng quan trọng và không có sự hiện diện lực lượng vũ trang Ukraine. Ít nhất 11 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương”. 

Bộ Ngoại giao Ấn Độ xác nhận trên mạng xã hội Twitter rằng trong số những người chết, có một sinh viên Ấn Độ.

Theo Cơ quan Người tị nạn Liên Hiệp Quốc (LHQ), kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự cho đến nay, khoảng 660.000 người đã chạy khỏi Ukraine sang các nước láng giềng. Hầu hết đều là phụ nữ và trẻ em. 

“Tình hình diễn biến quá nhanh và mức độ rủi ro cao tới mức các nhà viện trợ nhân đạo không thể điều phối viện trợ một cách có hệ thống” – Uỷ viên Cơ quan Người tị nạn LHQ Filippo Grandi nói với Hội đồng Bảo an LHQ ngày 1-3. 


Phạm Nghĩa