Chiều 10-9, tại cuộc họp bàn phương án chống bão số 5 trong bối cảnh phòng chống Covid-19, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết quan điểm của thành phố là bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trên hết.

Mỗi xã, phường phải thành lập đội xung kích cơ động gồm: công an, quân đội, biên phòng, thanh niên…nhằm hỗ trợ cho những hộ gặp khó khăn, thiếu người, đi cách ly hoặc những khu phong tỏa.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở Y tế rà soát các khu phong tỏa, các khu cách ly để đảm bảo các điều kiện về phòng chống lụt bão, đảm bảo lương thực cho các khu này trong điều kiện các hoạt động cơ bản phải tạm dừng do bão đổ bộ.

“Phải tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân để phòng chống lụt bão như giấy đi đường, mở các cửa hàng điện nước. UBND TP sẽ có chỉ đạo cụ thể. Các địa phương không cứng nhắc, máy móc việc này, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo thành phố” – ông Lê Trung Chinh yêu cầu.

Chiến sĩ bộ đội giúp người dân tại vùng đỏ chèn chống nhà cửa

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng bão số 5 là cơn bão chưa có tiền lệ vì vừa phải chống bão vừa chống dịch. Các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan.

“Cái khó lần này là vừa chống bão nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để lây nhiễm dịch bệnh trong lúc chống bão. Việc tổ chức lực lượng và quá trình di dân là vấn đề lớn, đề nghị các sở ngành, địa phương và các lực lượng chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão” – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

Đặc biệt, ông Quảng đề nghị mở ngay Âu thuyền Thọ Quang để đưa thuyền của ngư dân vào tránh trú, mặc dù âu thuyền đang đóng và vẫn là địa điểm nóng về dịch bệnh. Cụ thể, ngư dân vào bến phải ở yên trên tàu và chỉ được xuống bến khi bão vào Đà Nẵng. Quận Sơn Trà phải có địa điểm để đưa ngư dân lên bờ cách ly tập trung, đảm bảo an toàn.

Bí thư Thành ủy Đà nNẵng yêu cầu mở ngay Âu thuyền Thọ Quang để đưa thuyền của ngư dân vào trú bão

Cạnh đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lưu ý các địa phương có nguy cơ cao Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang,…phải có phương án phòng chống ngập úng, sạt lở đất, đảm bảo; yêu cầu các công trình dự án trọng điểm, các địa điểm xung yếu phải xây dựng phương án phòng chống bão.

“Tại các khu cách ly tập trung tại các cơ sở và trường học, bệnh viện dã chiến tại khu ký túc xá phía tây…thường trống trải nên khi có bão gió sẽ rất nguy hiểm, đề nghị các địa phương có cơ sở cách ly tập trung và các sở ngành phụ trách lĩnh vực liên quan có trách nhiệm xây dựng phương án cụ thể” – ông Quảng chỉ đạo.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng nhận định bão số 5 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, bão số 5 dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền TP Đà Nẵng vào rạng sáng 12-9.

Hiện tại, thành phố còn 10 tàu thuyền/119 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 5 phương tiện đang trong vùng nguy hiểm, cần đến nơi tránh trú an toàn. Thành phố còn 400 ha lúa chưa thu hoạch, dự kiến đến ngày 20-9 mới thu hoạch hoàn toàn số lúa còn lại này.

Đà Nẵng sẽ sơ tán hơn 58.000 người theo kịch bản ứng phó với bão cấp 8-11, trong đó, sơ tán hơn 18.000 người ở trong các khu nhà tạm, nhà không kiên cố đến các nơi sơ tán tập trung.


Q. Luật- B. Vân

Chia sẻ