Thiếu điện, khổ từ bề

Theo chân trưởng bản Hà Văn Lân ghé thăm các nhà dân ở bản Sậy, mới thấu được nỗi cơ cực của bà con suốt bao năm qua. Không có điện, con cái phải học dưới ánh đèn dầu, người dân nơi đây vẫn sống dựa vào nghề trồng sắn, ngô, đánh bắt cá trên sông Mã.

“Không có điện không làm gì được, vì muốn mua cái máy xát lúa phải có điện, muốn có nước để cấy lúa phải dùng máy bơm… Các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện đại là tivi, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện… chúng tôi có tiền cũng chẳng dùng được. Nhiều lúc nhìn sang các bản làng khác mà thấy buồn lắm” – ông Lân than thở. Là người đã sống hơn 60 năm ở bản Sậy, ông Hà Văn Quỵnh nói đời ông khổ quen rồi, giờ chỉ mong bản sớm có điện để thế hệ con cháu ông sống bớt cơ cực, có cơ hội để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. “Năm 2012, khi hay tin Nhà máy Thủy điện Trung Sơn xây dựng, bà con chúng tôi vui lắm. Thế nhưng, năm 2017, khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động, ước mơ có điện với chúng tôi vẫn là điều xa xỉ. Tôi giờ già rồi, sống không có điện cũng quen rồi, chỉ thương mấy đứa nhỏ tối đến, không có điện mà học tập” – ông Quỵnh nói.

Từ bản Sậy nhìn về hướng nhà máy thủy điện Trung Sơn

Nhiều hộ gia đình có kinh tế khá giả đã không ngồi chờ điện từ nhà nước mà tự mua máy phát điện mini, dùng bình ắc-quy tích trữ điện… để phục vụ cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, lượng điện sản sinh ra cũng chủ yếu thắp sáng mà thôi. “Thời đại này, không có điện chẳng khác nào người cụt tay, làm gì cũng chẳng được. Không có điện, thông tin từ bên ngoài đến với bản cũng rất chậm, thậm chí là mù tịt. Đặc biệt là, không được nghe thời sự để nắm bắt tin tức, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước” – bà Hà Thị Minh, một người dân trong bản cho hay.

Chờ nguồn đầu tư của nhà nước

Theo trưởng bản Hà Văn Lân, bản được thành lập năm 1935, đến nay có 78 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Những năm trước, khi xây dựng hai nhà máy thủy điện, bà con cũng ủng hộ hết mình. “Năm 2010, bản chúng tôi cũng được quy hoạch để kéo điện lưới cho bà con, tuy nhiên tới giờ chẳng hiểu vì lý do gì điện chưa được kéo về bản” – ông Lân bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Sỹ Tâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Quan Hóa, cho biết huyện còn 8 bản chưa có điện lưới quốc gia, trong đó có bản Sậy. Đây hầu hết là những bản xa xôi, thuộc diện đặc biệt khó khăn. “Dự kiến trong năm 2020 và 2021 sẽ có 4 bản được đầu tư. Những bản còn lại, trong đó có bản Sậy phải chờ đến năm 2025. Biết tình trạng trên làm khổ dân nhưng Quan Hóa là huyện nghèo, các công trình phúc lợi đều phụ thuộc nguồn ngân sách nhà nước nên không làm gì được” – ông Tâm nói.

Ông Hoàng Hồng Hải, Giám đốc Điện lực Quan Hóa, cho biết năm 2020 sẽ có 4 bản tại huyện Quan Hóa gồm: bản Bâu, bản Nót (xã Nam Động); bản Pượn (xã Trung Sơn) và bản Yên (xã Hiền Chung) được đầu tư kéo điện lưới về bản.


Bài và ảnh: Thanh Tuấn