Ngày 14-6, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) tán thành với việc xử lý nghiêm và lên án bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội.

Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng việc xử lý bạo lực gia đình nhưng làm sao để gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn mới là điều quan trọng. Theo ông Trần Công Phàn, quá trình xây dựng dự thảo luật cần căn cứ, xem xét xuất phát từ điều kiện của gia đình Việt Nam, đặc điểm của gia đình Việt Nam để quy định những biện pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý phù hợp, để không xảy ra trường hợp sau khi can thiệp gia đình lại rạn nứt.

Đại biểu Trần Công Phàn thảo luận tại phiên họp – Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Trần Công Phàn, truyền thống của gia đình Việt Nam là coi chuyện gia đình là chuyện bí mật, chuyện riêng tư không muốn cho ai can thiệp vào, sau bạo lực có thể hàn gắn được nhưng bây giờ can thiệp mà không khéo thì gia đình có khả năng rạn nứt, ly hôn.

“Khảo sát thực tế hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực không đi trình báo, thậm chí người chồng nào bị vợ bạo lực còn cố tình giấu đi vì xấu hổ. Nên, phải xử lý thế nào đó, các biện pháp phải tính đến yếu tố gia đình Việt Nam, tính đến yếu tố người bị bạo lực. Bởi, gia đình Việt thường có chuyện gì là “đóng cửa bảo nhau””- Đại biểu Phàn nêu.

Chính vì thực tế trên, ông Trần Công Phàn bày tỏ “bây giờ cứ lôi hết ra ánh sáng có được không?”. Từ đó, đại biểu đề nghị các biện pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý phải xuất phát từ yếu tố gia đình Việt Nam để mục đích lớn hơn là xử lý bạo lực nhưng làm cho gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Cũng liên quan đến biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) cho rằng đây là việc cần tiến hành sớm, tuy nhiên nội dung này trong dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền.

Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay thì cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định.

Đồng thời, cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Về hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, dự thảo luật phải chú trọng đến đối tượng trẻ em hơn nữa. Trên thực tế, bà Nhung cho biết có loại hành vi khá phổ biến nhưng rất khó để nhận biết đó là bạo lực tinh thần khi mắng chửi, đe dọa, chì chiết đối với trẻ em hay còn gọi là bạo lực ngôn ngữ, loại hành vi này dễ bị hiểu nhầm là một cách dạy dỗ con.

“Những lời nói đay nghiến, đe dọa, chì chiết của cha mẹ khiến cho trẻ em cảm thấy tội lỗi, tự ti, dằn vặt bản thân và cho rằng mình là người kém cỏi, vô dụng. Hậu quả này có thể kéo dài cả đời và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em- những đối tượng còn non nớt chưa đủ khả năng để tự bảo vệ mình”- đại biểu Trần Thị Kim Nhung bày tỏ lo ngại và kiến nghị cần quy định cụ thể để nhận diện được những hành vi bạo lực tinh thần như nêu trên.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Kim Nhung, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy hậu quả khôn lường của việc cha mẹ quát mắng con cái, trong đó đã chỉ ra khi cha mẹ mắng chửi, chì chiết thì mức độ tổn thương về ngôn ngữ, tinh thần và thể xác của trẻ em là hoàn toàn như nhau, có thể dẫn đến thay đổi tiêu cực về cấu trúc của não bộ, ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ.

“Một nhà nghiên cứu cũng đã từng nói kẻ giết người, hủy hoại cuộc đời của một đứa trẻ không phải là trò chơi mà chính là bạo lực ngôn ngữ của cha mẹ. Theo số liệu gần đây của UNICEF, xét trong số các vụ bạo lực trẻ em thì có khoảng 11% các trường hợp sử dụng đòi dọn đòn roi, đánh đấm; 15,7% dưới hình thức đẩy ngã, ném đồ vật vào người con cái, còn khoảng 56,6 % bạo hành tinh thần dưới dạng đe dọa, mắng chửi, chì chiết”- bà Nhung nêu rõ.


Minh Chiến