Ít nhất 38.000 nhân viên y tế từ 15 vùng đã được huy động đến Thượng Hải để giúp chống dịch. Truyền thông nhà nước mô tả đây là chiến dịch y tế lớn nhất nước kể từ khi TP Vũ Hán bị phong tỏa vào đầu năm 2020.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc tin rằng đợt bùng phát dịch ở Thượng Hải có quy mô lớn hơn so với đợt ở Vũ Hán nhưng ít nghiêm trọng hơn, nhờ kiến thức về virus được nâng cao, kinh nghiệm được tích lũy trong huy động nguồn lực, nâng cao năng lực chẩn đoán, các phương pháp điều trị linh hoạt…

Một khu vực được phun khử khuẩn ở TP Thượng Hải ngày 5-4 Ảnh: Reuters

Cho đến nay, Thượng Hải vẫn chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 nặng nào, thậm chí không có ca tử vong.

“Khả năng lây nhiễm của chủng virus hiện tại đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, cao hơn nhiều lần so với đợt bùng phát ở Vũ Hán. Nhưng tỉ lệ tiêm chủng đã đạt trên 80%, mức độ nghiêm trọng của bệnh nhẹ hơn nhiều so với trước đây” – Zhuang Shilihe, một chuyên gia y tế ở TP Quảng Châu, giải thích.

Dù vậy, theo Reuters, người dân Thượng Hải ngày càng bất bình với các quy định cách ly kiểm dịch, nhất là việc tách trẻ em mắc Covid-19 khỏi cha mẹ. Hàng ngàn người bị đưa đến các trung tâm cách ly thô sơ sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, cho dù có triệu chứng hay không.

“Tôi không nghĩ đây là ý kiến hay vì sau 24 tháng, chúng ta biết thêm được nhiều điều về đại dịch” – chuyên gia Jaya Dantas của Trường ĐH Curtin (Úc) nhận định, đồng thời nói thêm rằng chiến lược “tiêu hao nhiều nguồn lực” để chống Covid-19 tại Trung Quốc nên được điều chỉnh.

Trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân nhật báo mới đây, bác sĩ Chen Erzhen, người phụ trách một trung tâm cách ly ở Thượng Hải, cho biết có khả năng nhà chức trách sẽ cho phép bệnh nhân không triệu chứng ở nhà, nhất là nếu số ca nhiễm còn tăng cao. 


Anh Thư