Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 do UBND TP HCM ban hành, hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh… Nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn TP HCM đã đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu trong việc khám chữa bệnh.

Không còn cảnh mệt mỏi vì chờ đợi

Ngồi chờ xe tại BV Nhi Đồng 1 để về nhà, chị N.T.C.V (ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết thời gian trước đây, mỗi lần đưa con đi khám bệnh, chị phải chờ đợi rất lâu mới được vào gặp bác sĩ khám, sau đó đi đóng tiền, làm các xét nghiệm, có khi mất cả ngày mới xong. “Hiện tôi tự quét mã QR trong giấy chỉ định để đóng tiền, không phải đi lòng vòng, chờ đợi để làm các thủ tục” – chị V. nói.

Sử dụng vân tay khi đăng ký khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân

TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 5.000 – 6.000 bệnh nhi, lúc cao điểm hơn 8.000 ca. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình 1.500 – 2.000 ca. Với số lượng bệnh rất đông nên không tránh khỏi tình trạng quá tải. Theo bác sĩ Minh, BV đã triển khai hệ thống tự động hóa khâu lấy số thứ tự đăng ký khám, thực hiện xét nghiệm, tra cứu giá, đăng ký khám bệnh trực tuyến qua trang web, ứng dụng di động. Đối với khu vực điều trị nội trú, BV ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật để giảm nguy cơ nhầm người bệnh, nhầm bộ phận phẫu thuật; ứng dụng phần mềm quản lý giường bệnh, máy thở để điều tiết, bố trí giường bệnh, máy thở.

Tại BV Nhân dân Gia Định, từ khi triển khai CCCD gắn chip, người bệnh tiết kiệm thời gian làm thủ tục khi đi khám chữa bệnh. Chị N.H.T (ngụ TP HCM) cho biết những lần trước đến khám phải mang theo thẻ BHYT và thực hiện các thủ tục rất lâu. Tuy nhiên, sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn sử dụng CCCD có gắn chip đăng ký khám bệnh, chưa đến 1 phút để chị hoàn tất mọi thủ tục đăng ký.

Vào khu khám bệnh, thay vì đến quầy đăng ký, ông N.T.B (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) dừng lại trước màn hình điện tử ở ki-ốt tiếp nhận đăng ký khám bệnh bằng vân tay. Chờ hệ thống xác định đúng tên tuổi, mã số BHYT, ông có thể chọn phòng khám và được máy tự động in số thứ tự. “Nhờ đăng ký bằng dấu vân tay nên tiết kiệm được thời gian chờ đợi từ 30 – 60 phút. Bác sĩ cũng nắm bắt được thông tin lịch sử khám chữa bệnh của tôi lưu trước đó mà không mất thời gian hỏi bệnh” – ông B. nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Bằng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh BV Nhân dân Gia Định, trước kia có nhiều trường hợp bệnh nhân không may bị rơi, thất lạc các loại giấy đi khám bệnh nên bác sĩ phải mất thời gian xác định hồ sơ bệnh án. Bên cạnh đó, nhiều giấy BHYT mờ không thể nhìn được mã số nên việc xác định rất khó khăn.

Là BV đầu tiên triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip, từ tháng 3-2022 đến nay, BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận 10.469 lượt người đăng ký khám chữa bệnh qua CCCD. “Với khoảng 3.000 – 4.000 bệnh nhân khám mỗi ngày, đây là điều đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi, tích hợp dữ liệu để rút ngắn thời gian khám chữa bệnh” – bác sĩ Bằng cho hay. Ngoài ra, việc sử dụng vân tay khi đăng ký khám giúp nhân viên y tế xác định nhanh chóng thẻ BHYT của người bệnh có thuộc đối tượng ưu tiên hay không để mời vào khám trước hoặc thời hạn sử dụng cũng như lịch sử các lần khám để phát hiện trường hợp trục lợi BHYT.

Thoát cảnh tàn phế nhờ AI

BV Nhân dân 115 là BV đa khoa hạng 1 của TP HCM và là trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất khu vực phía Nam. Mỗi năm, BV tiếp nhận 14.000 ca đột quỵ não, chiếm khoảng 8%-10% số ca tại các BV trong cả nước.

Theo bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, từ giữa năm 2019, BV đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) RAPID vào hoạt động, tạo ra bước ngoặt trong cứu sống người bệnh đột quỵ. Đây cũng là BV đầu tiên trên cả nước ứng dụng phần mềm này vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ (giờ vàng). Tỉ lệ người bệnh đột quỵ não nhập viện qua giờ vàng can thiệp tại Việt Nam rất nhiều trong khi điều kiện cấp cứu, thông tin truyền thông, kiến thức của người dân, phương tiện giao thông còn một số hạn chế. Ứng dụng phần mềm RAPID hỗ trợ bác sĩ cứu kịp thời những người bệnh đột quỵ đến BV trễ. “Trước đây, bệnh nhân đột quỵ não đến sau giờ vàng sẽ không thể can thiệp, đối mặt với nguy cơ tàn phế, tử vong. Tuy nhiên, từ khi có ứng dụng RAPID, hơn 2.200 ca được chẩn đoán và chỉ định can thiệp bằng phần mềm. Kết quả ghi nhận 48% người bệnh được can thiệp thành công, quay trở lại vận động bình thường và thoát khỏi cảnh tàn phế, tử vong” – bác sĩ Sóng nói.

Với sự hỗ trợ của phần mềm RAPID, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác vị trí mạch máu tắc, định lượng vùng não chết và vùng não cần cứu chữa, giúp bác sĩ quyết định có nên sử dụng kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân xuất huyết não, phần mềm đo thể tích khối máu tụ giúp bác sĩ tiên lượng chính xác khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị. 

Hoàn thiện cơ chế đẩy mạnh y tế điện tử

Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế, hiện 100% BV trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý BV, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán BHYT đạt 99,5%. Bên cạnh đó, có 23 BV đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim, 26 BV và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số; công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau… nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người bệnh, giảm tải cho nhân viên y tế.


Bài và ảnh: Hải Yến