Chủ động tham gia sâu chuỗi cung ứng

Đơn cử, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang với 5 nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại, đã và đang lắp đặt, đưa vào vận hành dây chuyền đóng gói chip LED, dây chuyền SMT dán chip và sản xuất driver – board mạch, dây chuyền lắp ráp tự động đèn LED các loại… Với tổng năng lực sản xuất 140 triệu sản phẩm một năm, Điện Quang hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất chip LED, khép kín chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm ra thị trường.

Từ thực tiễn hoạt động của công ty, ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, cho rằng DN phải đầu tư bài bản công nghệ, nhân sự thì mới có thể tạo ra các sản phẩm CNHT đạt chất lượng, độ chính xác và tính hoàn thiện cao mà các chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản nói riêng cần. “Do ngành công nghiệp điện tử còn nhiều hạn chế cần cải thiện, công ty sẵn sàng hợp tác với các nhà cung ứng, các đối tác để học hỏi, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau” – ông Linh bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, ông Lưu Đình Thịnh, Giám đốc tiếp thị kinh doanh Công ty TNHH CNS Amura, cho biết lợi thế công nghệ máy móc hiện đại, đội ngũ nhân công chất lượng cao đã và đang giúp CNS Amura tiếp cận và trở thành đối tác chiến lược của nhiều tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực khuôn mẫu, công ty là DN Việt Nam duy nhất trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP HCM được tạo nhiều cơ hội lẫn điều kiện để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP HCM, dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành công nghiệp thành phố đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trong năm 2022, thành phố đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ DN công nghiệp và CNHT.

Theo đó, UBND thành phố đã thông qua việc triển khai kế hoạch số 2888 về thực hiện chương trình phát triển CNHT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2023. Triển khai chương trình này, Sở Công Thương TP HCM đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng suất sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho DN CNHT. Song song đó là các hoạt động kết nối, hỗ trợ DN bổ sung nguồn lực, cải thiện năng lực cạnh tranh. Giải pháp hỗ trợ vốn, kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT giai đoạn này cũng hết sức cần thiết.

Trong năm 2022, Sở Công Thương thành phố phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu UBND thành phố phê duyệt 32 dự án đầu tư của 28 DN CNHT với tổng mức đầu tư là 2.336 tỉ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 1.312 tỉ đồng. Bình quân số vốn đầu tư một dự án khoảng 73 tỉ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án khoảng 41 tỉ đồng. Tính trung bình, với mức lãi suất 8% và thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm, ngân sách thành phố sẽ bỏ ra khoảng 460 tỉ đồng tiền hỗ trợ lãi vay để thu hút được khoảng 2.336 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất của các DN thành phố. Như vậy, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được khoảng 5,1 đồng từ nguồn lực xã hội.


Bài và ảnh: Phương An