Sau khoảng thời gian dài bế tắc vì dịch Covid-19 năm 2021, thị trường smartphone Việt Nam đầu năm nay đã khởi sắc và bắt đầu sôi động. Theo đặc thù của ngành hàng này, tháng 3 là tháng “thứ nhất” của năm.

Thị trường đã hồi phục

Nhiều giám đốc ngành hàng smartphone của các kênh bán lẻ cho biết chưa bao giờ đầu năm lại có hàng mới ra nhiều như năm nay. “Dòng nào cũng bán được. Thị trường đã hồi phục” – ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hàng viễn thông của Thế giới Di Động, nhận xét.

Một khách hàng chọn mua smartphone cao cấp

Từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 5-2022, khoảng 30 sản phẩm smartphone của Apple, Samsung, OPPO, Xiaomi, Realme, POCO, Vivo, Nokia… xuất hiện trên thị trường. Trong đó, Samsung nổi bật với dòng S22 series, gồm các sản phẩm S22, S22+, S22 Ultra cho phân khúc cao cấp và A 2022 series với các sản phẩm A13, A23, A33, A53 và A73. Samsung còn có thêm vài sản phẩm cho dòng M, như M53 mới xuất hiện cách đây vài ngày.

OPPO khai trương thị trường năm 2022 trong tháng 3 với dòng tầm trung A76; bước sang tháng 4 là dòng Reno 7 series với 4 sản phẩm 7 4G, 7Z, 7 5G và 7 Pro. Ngày 5-5, OPPO tung ra sản phẩm cao cấp Find X5 Pro thuộc dòng Find X series.

Xiaomi là thương hiệu “quậy” nhất của thị trường smartphone Việt Nam từ đầu năm 2022. Từ tháng 1, Xiaomi tung ra Redmi Note 11 series với các sản phẩm 11 Pro 5G, 11 Pro và 11S. Giữa tháng 3, Xiaomi 12 series xuất hiện với các sản phẩm 12, 12X, 12 Pro và cuối tháng là Redmi 10C. Từ đầu năm tới nay, một người anh em khác của Xiaomi là POCO cũng có 3 sản phẩm trên thị trường là X4 Pro 5G, M4 Pro và X4 GT.

Trong khi đó, Apple khuấy động phân khúc cao cấp khi ngày 15-4 tung ra phiên bản màu xanh rừng thông cho dòng iPhone 13 series. Realme cũng tham gia thị trường với 4 sản phẩm: 9 Pro, 9 Pro+, 9 4G và C35. Vivo có dòng V23 hồi đầu năm, còn mới đây là 2 sản phẩm giá thấp và trung là Y01, Y55. Nokia có 2 sản phẩm G11 và G21…

Sản phẩm mới nhiều nên cũng khiến người tiêu dùng “rối đầu”. Bởi lẽ, mỗi sản phẩm có quá nhiều phiên bản về dung lượng và bộ nhớ RAM, chưa kể màu sắc. Nếu tách bạch về cấu hình và màu sắc, trong 4 tháng đầu năm 2022, thị trường có tới gần 200 phiên bản xuất hiện.

Với thị trường smartphone phong phú về thể loại, đa dạng về giá cả, ông Phùng Ngọc Tuyên khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo chọn thương hiệu, cấu hình theo túi tiền của mình.

Cạnh tranh bằng… camera

Trong khi Apple không nói gì về iPhone 13 series, các hãng còn lại đều có những thông điệp gắn liền với từng dòng sản phẩm xoay quanh điểm nhấn là thế mạnh của camera để cạnh tranh.

S22 series của Samsung với “trải nghiệm camera đỉnh cao”, còn A 2022 series là “rực nét nguyên bản”. OPPO trình làng Reno 7 series với thông điệp “bật mở chân dung vô hạn”. Với Xiaomi 12 series, Xiaomi gọi dòng smartphone này là “bậc thầy điện ảnh”, còn Vivo thì cho rằng V23 đã “phá vỡ giới hạn selfie”! Thuộc hàng “em út” nhưng Realme ngạo nghễ không kém khi quả quyết “sáng bừng từng khoảnh khắc” với Realme 9 Pro…

Điểm đầu tiên nhận diện sự cạnh tranh của các hãng về camera trên smartphone là nâng độ phân giải cảm biến. Dù thuộc phân khúc giá tầm trung nhưng Realme 9 4G được trang bị cảm biến Isocell HM6 của Samsung trên camera ProLight có độ phân giải 108 megapixel (MP).

Thuộc phân khúc cận cao cấp với giá 12,49 triệu đồng nhưng Samsung M53 có camera chính với độ phân giải 108 MP, khẩu độ f/1.8, camera chụp góc 123 độ với khẩu độ f/2.2 và độ phân giải 8 MP…

Với Reno 7 series, 2 sản phẩm 7 4G, 7Z dù cụm 3 camera AI với camera chính có độ phân giải 64 MP, macro 2 MP, độ sâu 2 MP… song lại được tích hợp các tính năng chụp hình quan trọng như: chụp chân dung Bokeh Flare, quay video AI, chân dung màu AI, quay video khóa nét chủ thể…

Thông tin với người tiêu dùng về Find X5 Pro, OPPO Việt Nam nhấn mạnh đến “con” NPU hình ảnh MariSilicon X tự thiết kế và cảm biến IMX766 của Sony, cộng thêm công nghệ hình ảnh của Hasselblad – hãng chuyên sản xuất ống kính, linh kiện chụp hình của Thụy Điển.

Trong khi đó, Vivo “khác người” khi đầu tư phần cứng và công nghệ cho camera trước của V23 5G với độ phân giải 50 MP AF kèm theo camera có góc siêu rộng 8 MP, nhắm đến nhóm khách hàng thích sử dụng tính năng “tự sướng” khi lựa chọn smartphone. Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc kinh doanh của Vivo Việt Nam, cho biết: “Dù không ra nhiều hàng nhưng đó là điểm khác biệt của hãng khi có một sản phẩm để cạnh tranh trong “rừng” sản phẩm mới từ đầu năm tới nay”. 

Giới bán lẻ ngành hàng smartphone cho biết tháng 3-2022, sức mua tăng khoảng 15% – 25% so với tháng 3-2021, tùy theo từng hệ thống.

Theo ông Phạm Quốc Bảo Duy, Giám đốc ngành hàng di động của FPT Retail, sang tháng 4, sức mua smartphone giảm 15% so với tháng 3. Tuy nhiên, giá trị của nhóm hàng cao cấp như iPhone 13 series, Samsung S22 series; cận cao cấp như OPPO Reno 7 series, Xiaomi 11 và 12 series, Vivo V23 5G… đã bù vào doanh thu và lợi nhuận cho nhà bán lẻ.

Ông Đỗ Quang Kha, Tổng Giám đốc OPPO Việt Nam, cho biết trong 2 tuần đặt hàng dòng Reno 7 series, đã có 33.000 đơn đặt cọc. Với Vivo, dù ra ít hàng mới nhưng V23 5G đã đóng góp chính vào mức tăng 10% doanh số của hãng trong tháng 4 so với tháng 3-2022.


Bài và ảnh: Minh Tú