Mỗi NFT có mã nhận dạng và siêu dữ liệu duy nhất để phân biệt chúng với nhau. NFT thường được mua bằng tiền điện tử hoặc bằng USD và mặc dù bất kỳ ai cũng có thể xem NFT nhưng chỉ người mua mới có tư cách là chủ sở hữu chính thức.

Vì sao thị trường NFT trỗi dậy trong hơn một năm qua?

Một trong những yếu tố quan trọng khiến NFT được quan tâm nhiều hơn là bởi nó có mối liên hệ với metaverse (tạm dịch: vũ trụ ảo) và những người nổi tiếng quan tâm tới lĩnh vực này. Thực tế, doanh số bán hàng trên thị trường NFT đã tăng vọt khi có nhiều công ty nổi tiếng thu về hàng triệu USD. Câu lạc bộ Du thuyền Bored Ape, The Sandbox và CryptoPunks là vài ví dụ điển hình trong số các dự án thành công ở lĩnh vực mới nổi này. Trong đó, CryptoPunks dẫn đầu phong trào “nghệ thuật tiền điện tử”, có khoảng 10.000 hình ảnh nghệ thuật được mã hóa và thu hút được một số nhà đầu tư nổi tiếng. Còn The Sandbox cung cấp một thế giới ảo để người chơi xây dựng, sở hữu và kiếm tiền từ trải nghiệm chơi game của họ. Cụ thể, The Sandbox cho phép người chơi tải lên, xuất bản và bán các tác phẩm NFT của họ được tạo bằng VoxEdit (một công cụ chỉnh sửa); cung cấp cho người sáng tạo quyền sở hữu và các công cụ để tạo nội dung trên nền tảng.

Sandbox cho phép người chơi tải lên, xuất bản và bán các tác phẩm NFT của họ được tạo bằng VoxEdit. Ảnh: ET SPOTLIGHT

Truyền thông quốc tế nhận định một số xu hướng liên quan đến không gian NFT có khả năng thay đổi cách con người sử dụng internet. Chẳng hạn, bất cứ nghệ sĩ nào cũng có thể phát trực tiếp tác phẩm của họ hoặc bán tác phẩm đó cho những người quan tâm thông qua không gian NFT. Điều này giúp giới nghệ sĩ bán được sản phẩm với mức giá phù hợp cũng như thu được lợi nhuận từ việc thanh toán tiền bản quyền trong NFT thông qua các hợp đồng thông minh.

Đáng lưu ý, sự bùng nổ của metaverse đang diễn ra trên toàn cầu, ngay cả khi chúng chưa phát huy hết tác dụng. Tiềm năng và tiện ích vượt trội của NFT cùng với công nghệ blockchain và tiền điện tử sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong không gian metaverse.

NFT đã đi một chặng đường dài kể từ khi Quantum, mã NFT đầu tiên, được đúc vào năm 2014. Sau 7 năm, NFT của nghệ sĩ Beeple có tựa đề “Mỗi ngày – 5.000 ngày đầu tiên” đã được bán với giá 69,3 triệu USD, khiến nó trở thành NFT đắt nhất đã từng bán. Ngành công nghiệp NFT gắn liền với một số ngành công nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực kỹ thuật số như game, metaverse và Web3 (giai đoạn phát triển mới nhất của internet). 


Bằng Hưng