Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu đe dọa Việt Nam, ngành y tế đã sớm nhận thức khả năng vượt trội của việc ứng dụng công cụ, giải pháp công nghệ để phục vụ cho công tác thông tin – tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Ba lĩnh vực nổi bật trong cuộc chuyển đổi số về y tế ở Việt Nam là thông tin – tuyên truyền về dịch bệnh; quản lý, giám sát bệnh nhân, nguy cơ nhiễm bệnh và tư vấn, khám chữa bệnh (KCB) từ xa.

Khai thác internet để phòng dịch

Chưa bao giờ ngành y tế tập trung khai thác sâu rộng các loại hình, phương tiện truyền thông số và internet để kịp thời đưa thông tin chính thức tới cho công chúng, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Điều này đã giúp khắc chế, giảm nguy hại từ những thông tin giả, thất thiệt.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các nhà mạng viễn thông, mạng xã hội… đã tạo hiệu quả rất cao trong công tác thông tin – tuyên truyền phòng chống dịch. Một số đối tác đã tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hơn nữa hoạt động này. Những ứng dụng phần mềm khai báo y tế (như NCOVI), ứng dụng truy vết tiếp xúc Bluezone… được cơ quan chức năng triển khai chính thức trên quy mô toàn quốc. Theo thống kê của Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến giữa tháng 8, số lượt tải ứng dụng Bluezone đã lên tới 18,7 triệu lượt.

Tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (TP Hà Nội) Ảnh: NGỌC DUNG

TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương vốn được xem là một trong những ổ dịch có nguồn gốc từ TP Đà Nẵng. Tính đến sáng 16-8, tỉnh Hải Dương đã có 331.039 người cài đặt Bluezone, riêng TP Hải Dương có 78.417 lượt. Lãnh đạo tỉnh xác định Bluezone có thể giúp chủ động truy vết được các đối tượng F1, F2, F3 khi có ca bệnh phát sinh. Qua Bluezone, đến sáng 16-8, nhà chức trách đã xác định 261 người có liên quan tới ổ dịch ở Hải Dương, gần 1.000 người đã được cảnh báo sớm trong đợt xử lý ổ dịch Thế Giới Bò Tươi, góp phần vào việc dập dịch hiệu quả. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, trong số 20 ca nhiễm phát hiện từ ngày 1 tới chiều 29-8, có tới 16 ca có liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng. Cho tới nay, các ổ dịch ở Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát.

Lợi ích kép từ khám chữa bệnh từ xa

Các cơ sở KCB được coi là những nơi nguy hiểm, có xác suất gây lây nhiễm virus cao. Vì thế, tư vấn, KCB từ xa chính là một trong những nhóm giải pháp quan trọng trong thời dịch Covid-19. Ngày 29-8, Bộ Y tế nhắn tin cho người dùng di động cả nước đề nghị người dân chỉ đến bệnh viện (BV) khi khi có nhu cầu KCB, hạn chế thấp nhất việc đến thăm người đang nằm viện.

Vài tháng trước, nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa được Bộ Y tế đưa vào sử dụng để giúp cộng đồng phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19. Với nền tảng này, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua các ứng dụng hoặc website; kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin; đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật các thông tin hướng dẫn điều trị. Theo Bộ Y tế, ngày 18-8, BV Bạch Mai (TP Hà Nội) đã lần đầu tiên tổ chức buổi tư vấn, KCB từ xa (Tele-Health) trên diện rộng với sự kết nối của gần 100 điểm cầu ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam… Buổi tư vấn online chuyên ngành hồi sức tích cực với chuyên đề “Lưu ý trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19” có sự tham gia của các bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội… Trước đó, ngày 14-8, BV Răng Hàm Mặt Trung ương tại TP HCM đã có buổi hội chẩn trực tuyến với sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt từ các BV: Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Khoa Răng Hàm Mặt thuộc BV Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Cuối tuần qua, Trung tâm Tư vấn KCB từ xa của BV Hữu Nghị Việt Đức – trung tâm y tế chuyên sâu, được xếp hạng BV chuyên khoa đặc biệt duy nhất cả nước – đã được đưa vào hoạt động. Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV, từ năm 2013-2019, BV đã tổ chức hơn 600 cuộc hội chẩn từ xa thực hiện thường xuyên hằng tuần với 23 điểm cầu kết nối. Từ 23 điểm cầu, đến nay đã có hơn 100 BV các tuyến, cả công và tư, đã đăng ký trở thành BV vệ tinh, trở thành điểm cầu để được các chuyên gia của BV Hữu Nghị Việt Đức tư vấn phẫu thuật, KCB từ xa. BV đã nhiều lần tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và truyền hình các ca mổ thành công. “Qua hệ thống KCB này, người nghèo không có điều kiện đến Hà Nội, TP HCM, Huế để KCB nhưng vẫn được khám, chẩn đoán bởi các chuyên gia, giáo sư đầu ngành” – GS-TS Trần Bình Giang nói. Trong buổi ra mắt Trung tâm Tư vấn KCB từ xa, các chuyên gia của BV đã tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D cho bệnh nhân tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Công nghệ 3D giúp các bác sĩ nhìn ca bệnh qua hình ảnh như thật, giúp các thao tác phẫu thuật chính xác, nhanh chóng, thuận lợi, giảm thời gian phẫu thuật.

Trước đó ít ngày, BV Bạch Mai và các BV chuyên khoa như: BV K, BV Nội tiết… đã đưa vào vận hành hệ thống KCB từ xa. PGS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K, cho biết tất cả chuyên ngành của BV K sẽ tiến hành KCB, hội chẩn từ xa cho các cơ sở y tế tuyến dưới theo từng chủ đề cụ thể. Mỗi ê-kíp chuyên gia sẽ gồm ít nhất 5 chuyên ngành từ điểm cầu BV K tham gia KCB, hội chẩn cho tuyến dưới. 

Người bệnh hưởng lợi

Trước đó, Bộ Y tế đã xây dựng, triển khai Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020-2025 với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, KCB từ xa sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỉ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh… “Ngành y tế sẽ ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng KCB. Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng ngay tại cơ sở” – ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

N.Dung


Anh Phúc – Ngọc Dung

Chia sẻ