Khán giả ở khắp khu vực và cả thế giới có thể ngồi tại nhà theo dõi dễ dàng các hoạt động của sự kiện này theo thời gian thực và mọi lúc, mọi nơi.

Không chỉ được trực tiếp trên các kênh truyền hình truyền thống, những sự kiện thi đấu còn được phủ khắp các nền tảng truyền thông đại chúng, mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok… Không chỉ livestream cả trận thi đấu mà còn có cả những tóm tắt, tình tiết nổi bật… phục vụ người xem online trực tiếp hay xem lại.

Đáng chú ý, Google đã thiết kế hàng loạt tính năng, dịch vụ để số hóa và online hóa SEA Games 31. Chiều 9-5, tức chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức khai mạc, Google đã ra mắt trang web Google Xu hướng (Google Trends) SEA Games 31. Đây là trang thông tin trực tuyến đặc biệt lần đầu tiên được thiết kế dành riêng cho SEA Games 31, phục vụ người hâm mộ ở Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Các tính năng mới của Google hỗ trợ khán giả theo dõi trọn vẹn và nắm bắt các thông tin, kết quả quan trọng của mỗi trận đấu dù là đang xem trực tuyến từ xa hay trực tiếp cổ vũ tại sân vận động. Google còn kịp thời bổ sung nhiều tính năng mới cho các dịch vụ và ứng dụng YouTube, Google Flights, Google Assistant, Google Lens.

Theo Google, với các công cụ được phát triển dành riêng cho sự kiện thể thao được tổ chức tại nước ta, hãng này mong muốn đóng góp quảng bá không chỉ các nội dung thi đấu của SEA Games 31 mà còn về hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam nói chung đến với khán giả trong nước lẫn quốc tế.

Thực tế, các thông tin về SEA Games 31 đã được internet phủ kín, đem lại cho nhiều người sự trải nghiệm số hóa thú vị. Đó là điều nên được duy trì sau SEA Games 31, cũng như phát huy cho các sự kiện công chúng khác. Chắc chắn các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ quan tâm đến điều này và ứng dụng nó cho những lĩnh vực khác.


Ngô Lê