Ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia của Meta tại Việt Nam, cho hay thực tế ảo (AR) và thực tế ảo tăng cường (VR) là một trong những xu hướng xã hội sẽ lên ngôi trong tương lai gần mà doanh nghiệp cần lưu ý.

“Vừa qua, chúng tôi đã thông báo đổi tên công ty thành Meta và chia sẻ tầm nhìn của chúng tôi về metaverse (vũ trụ ảo). Quyết định này đến từ việc chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và công nghệ đứng đằng sau đó” – ông Khôi Lê lý giải.

Theo Meta, các ứng dụng cho AR/VR đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, từ thử quần áo, giày dép trước khi mua đến làm việc từ xa trong không gian ảo.

Một báo cáo của Facebook IQ được công bố mới đây cũng ghi nhận trên toàn cầu, có 78% người dùng cho biết AR là một cách thú vị để tương tác với các thương hiệu và 74% tin rằng AR có thể thu hẹp khoảng cách giữa trực tuyến và ngoại tuyến.

Dự án vũ trụ ảo do Meta đang thực hiện

Tại Việt Nam, 80% người dùng cho biết họ nghĩ AR có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa trực tuyến và ngoại tuyến. Ngoài ra, có tới 81% muốn kết nối với các thương hiệu bằng AR, cho rằng đây là một cách thú vị để tương tác với các thương hiệu. 90% người dân sẵn sàng sử dụng các tính năng AR để khám phá thương hiệu.

Thực tế, đã có thương hiệu ở Việt Nam áp dụng quảng cáo AR như một cách để tiếp cận khách hàng và nhận được lượng tương tác khá lớn.

Xu hướng thứ 2 là sử dụng video kỹ thuật số để xây dựng thương hiệu hay thúc đẩy trải nghiệm mua sắm phong phú hơn. Theo khảo sát, người xem video kỹ thuật số ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ vượt con số 2 tỉ vào năm 2022, sớm hơn một năm so với dự kiến. Do đó, doanh nghiệp có thể tận dụng phương tiện này để tiếp cận người tiêu dùng, từ việc gắn thẻ sản phẩm cho phép mua hàng trực tiếp từ video đến việc thử sản phẩm trước khi mua bằng ứng dụng thực tế ảo tăng cường…

Ngoài ra, theo Meta, sử dụng sức ảnh hưởng của các nhân vật của công chúng, xây dựng các ngày hội mua sắm kết hợp giải trí trực tuyến… cũng là những cách kéo khách hàng tới gần doanh nghiệp hơn.


Thùy Dương

Chia sẻ