Báo cáo toàn cảnh ngành thương mại điện tử (TMĐT) với chủ đề “TMĐT năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19” do Lazada Việt Nam công bố mới đây khẳng định: “Với các trải nghiệm tương tác phong phú, shoppertainment đã thâm nhập một cách hiệu quả vào thói quen của người tiêu dùng trực tuyến và trở thành xu hướng dẫn đầu trên TMĐT năm 2021”.

Hút người dùng trong giai đoạn giãn cách

Theo nhận định của Lazada Việt Nam, trong những năm gần đây, các hình thức giải trí và sự kiện trực tuyến ghi nhận sự tăng trưởng đột biến, một phần đến từ tác động của dịch Covid-19, nhưng phần lớn là do sự chào đón của người tiêu dùng dành cho shoppertainment.

Tại Việt Nam, shoppertainment là yếu tố then chốt giúp các sàn TMĐT chiếm được cảm tình của khách hàng. Nhờ chiến lược này, người tiêu dùng coi ứng dụng mua sắm trực tuyến như một điểm đến tích hợp, nơi họ có thể xem livestream, giao lưu với người nổi tiếng, chơi trò chơi, săn các ưu đãi và mua sắm.

Không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng, ở chiều ngược lại, shoppertainment mang lại lợi ích cho nhà bán hàng khi cho họ không gian lý tưởng để tương tác với khách hàng tiềm năng và phát triển kinh doanh hiệu quả trong hệ sinh thái.

“Chiến lược shoppertainment càng phát huy hiệu quả và trở nên nổi bật hơn trong bối cảnh giãn cách xã hội, khi mọi người đều buộc phải ở nhà” – báo cáo của Lazada Việt Nam nêu nhận định.

Thông tin về tình hình mua sắm trên sàn trong dịp cận Tết Nguyên đán 2022, Lazada Việt Nam cho biết LazLive tiếp tục là kênh mua sắm kết hợp giải trí được người dùng yêu thích với nhiều hoạt động livestream hấp dẫn theo chủ đề Hội Xuân Online xuyên suốt Lễ hội mua sắm. Nhiều số liệu nổi bật cho thấy sức hút của hình thức này, như: lượt xem livestream tăng hơn 4 lần ngày thường, người dùng sẵn sàng chi tiêu trên livestream nhiều hơn 2,5 lần, số lượng đơn hàng bán ra trên kênh LazLive tăng gấp 4 lần, doanh số bán ra tăng trên LazLive gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

Trước đó, trong năm 2021, Lazada và Shopee đã rầm rộ tổ chức các hoạt động shoppertainment như chương trình âm nhạc tại gia, minigame có thưởng… trong bối cảnh người dùng bị hạn chế ra ngoài. Riêng Shopee trong sự kiện 9-9 còn thiết kế “bữa tiệc” hấp dẫn với chương trình giao lưu cùng huấn luyện viên Park Hang Seo, cầu thủ Vũ Văn Thanh, cầu thủ Nguyễn Tiến Linh; hay đêm hội Hàn Quốc với màn biểu diễn độc quyền của nhóm nhạc TWICE và Secret Number.

Tương tự, MoMo – nền tảng thanh toán và mua sắm – cũng tổ chức game giải đố xây thành phố với giải thưởng 10 tỉ đồng, thu hút được 8 triệu người tham gia sau một tháng.

“Chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của shoppertainment – một sự kết hợp giữa sáng tạo nội dung và thương mại điện tử” – Ng Chew Wee, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh TikTok khu vực Đông Nam Á, nêu đánh giá.

Dự báo bùng nổ ngành công nghiệp livestream

Là một nhánh của shoppertainment, mô hình livestream commerce (thương mại trực tuyến) được các chuyên gia trong ngành đánh giá là ngày càng có dấu hiệu tích cực khi thu hút lượng người tham gia ngày càng tăng. “Tại Việt Nam, từ cuối năm 2020, nhiều dự báo cho thấy livestream không dừng lại như một trào lưu bán hàng trực tuyến mà sẽ trở thành một ngành công nghiệp với quy mô lớn” – nhóm chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn (chuyên gia cấp cao Tư vấn chiến lược kinh doanh và Truyền thông doanh nghiệp) và Lại Tiến Mạnh (Giám đốc Điều hành MiBrand) nhận xét.

Năm 2022, ngành TMĐT dự báo sẽ chứng kiến sự lên ngôi của social commerce (thương mại xã hội) nhờ việc kết hợp giữa hình ảnh trực quan sinh động với nội dung đa chiều, gần gũi do người dùng tự sáng tạo. Đáng lưu ý, sức thu hút của social commerce đến từ việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như hình ảnh 3D, video 360 độ, trí thông minh nhân tạo (AI) hay livestream… Trong đó, livestream hiện đang là hình thức phổ biến và thịnh hành nhất của social commerce khi phương thức này giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm của người dùng một cách hiệu quả.

Livestream sẽ trở thành ngành công nghiệp trong tương lai

Tại Việt Nam, xu hướng bán hàng qua livestream trước đây chỉ được một số ít nhà bán hàng nhỏ lẻ áp dụng hoặc chỉ xuất hiện trên các nền tảng TMĐT lớn. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhãn hàng đã bắt đầu áp dụng hình thức bán hàng này nhằm đa dạng hóa kênh bán hàng và giúp sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Trong năm 2021 vừa qua, chủ tịch của một công ty viễn thông lớn tại Việt Nam đã đích thân xuất hiện trên sóng livestream để bán hàng.

“Với số lượng người sử dụng internet và độ phủ sóng của internet đang ngày càng tăng, Việt Nam sẽ là thị trường đầy hứa hẹn cho sự phát triển của livestream và social commerce trong tương lai” – nhóm chuyên gia trên nêu dự báo.

Khảo sát của TikTok vào năm 2021 với hơn 1.800 người dùng Đông Nam Á cho thấy người dùng có xu hướng kỳ vọng nhiều hơn vào trải nghiệm mua sắm thú vị.

“Dưới tác động của Covid-19, người dùng hạn chế di chuyển và phải trì hoãn nhiều kế hoạch. Vì vậy, với nhiều người, mua sắm trở thành hoạt động giải trí tại nhà. Cứ 3 người thì có 1 người nói rằng họ muốn mua sắm và việc mua sắm khiến họ cảm thấy vui vẻ” – TikTok nêu kết quả khảo sát.


Hoài Dương

Chia sẻ