Loại iPhone này rộ lên gần đây với cái tên iPhone “bypass”. Giá của loại sản phẩm này rẻ hơn cả iPhone cũ và iPhone lock và chỉ bằng 1/4 giá máy mới.

“Bypass” là hình thức vượt qua màn hình Activation Lock trên các thiết bị chạy iOS để có thể sử dụng máy mà không phải mở khóa iCloud. Tuy nhiên, máy sẽ bị thiếu một số tính năng, như không thể sử dụng các dịch vụ của nhà mạng, không thể dùng FaceTime, iMessage… Theo một số người có kinh nghiệm, dù còn nhiều hạn chế, đây vẫn là lựa chọn tốt nhất cho những chiếc iPhone không có chủ nhân hoặc chủ nhân không nhớ mật khẩu iCloud.

Màn hình Activation Lock trên iPhone, iPad.

Khi vượt qua màn hình Activation Lock, chiếc iPhone đó vẫn thực hiện các tác vụ của iPhone bình thường, như đăng nhập Apple ID mới để tải phần mềm, chơi game, nghe nhạc, lướt Facebook, YouTube… Một số máy sau khi “bypass” vẫn nhận sim, nghe gọi. Nhưng số lượng này không nhiều.

“Trước đây nếu không có mật khẩu iCloud, người dùng chỉ có thể bán ‘xác’ hoặc rã linh kiện bán với giá rẻ. Nhưng từ khi có công cụ “bypass”, người dùng có thể ‘vượt rào’ để dùng máy như bình thường”, Chí Anh, một người bán đồ Apple lâu năm cho biết. Cũng theo Chí Anh, từ khi có công cụ “bypass”, thị trường gần như không còn iPhone khóa iCloud, trừ một số mẫu máy mới, như iPhone XR, iPhone XS trở về sau, vì chưa có công cụ “vượt rào”.

Các công cụ hỗ trợ “bypass” cho iPhone được chia sẻ khá nhiều trên cộng đồng người dùng iOS. Một số công cụ miễn phí cho phép mở khóa iPhone với vài thao tác, thời gian thực hiện chưa đến 5 phút, nhưng sẽ mất tác dụng nếu máy bị tắt nguồn hoặc khởi động lại. Trong khi đó, một số cửa hàng điện thoại cũng nhận dịch vụ này với giá 50 đến 100 nghìn đồng với cam kết “có thể khởi động lại thoải mái”. Có nơi nhận 500-700 nghìn đồng, nếu muốn iPhone sử dụng sim như máy bình thường.

iPhone ‘bypass’ có nhiều rắc rối

Anh Nguyễn Thanh Nghĩa (Hà Nội), mua một chiếc iPhone 7 Plus “bypass” với giá 2,5 triệu đồng để chụp ảnh và chơi game. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày sử dụng, máy bị treo khi khởi động, anh không thể nào bật được. Người bán phải “bypass” lại. Chiếc máy lại trở về trạng thái ban đầu, nhưng toàn bộ những dữ liệu anh đã lưu trước đó bị xóa hết. “Mua được máy giá rẻ nhưng dùng lúc nào cũng nơm nớp lo”, anh Nghĩa than thở.

Tương tự, anh Đức Sang (TP HCM) cũng mua một chiếc iPhone 6s Plus giá gần 2 triệu đồng về để livestream bán hàng và cho con xem YouTube. Tuy nhiên, máy thường xuyên gặp vấn đề, chạy chậm, lag giật và nóng.

Theo anh Chí Anh, người dùng nên cân nhắc khi mua những loại iPhone “bypass”. Các sản phẩm này đang lợi dụng lỗ hổng bảo mật của Apple, vì vậy, chúng có thể trở thành ‘cục gạch’ bất kỳ lúc nào nếu Apple vá lỗi. “Nếu mua máy không mở được iCloud, có thể đây là các sản phẩm bất chính, nguồn gốc không rõ ràng. Người mua dễ gặp rắc rối về mặt pháp lý nếu sử dụng”, anh Chí Anh nói.


Theo Quý Văn (Sohoa)

Chia sẻ